Theo lộ trình, đến hết năm 2015, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh phải đạt 71%, song đến nay mới chỉ đạt 69%. Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch số 427 của UBND tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm trong việc vận động nhân dân tham gia BHYT.
Người dân khám chữa bệnh bằng BHYT tại Trạm y tế xã Đắk R'tíh (Tuy Đức). Ảnh: Vũ Trang |
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp thì mặc dù được đánh giá khá cao trong công tác vận động nhân dân tham gia BHYT, song địa phương vẫn còn không ít khó khăn. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành bài bản, có kế hoạch cụ thể đến các trường học, các cuộc tiếp xúc cử tri, thôn, bon. Huyện cũng thành lập các đoàn đi tuyên truyền, vận động cho người dân về BHYT, ưu tiên những nơi người dân chưa hiểu, hiểu ít để tập trung vận động.
Thế nhưng, người dân vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng, không cần mua BHYT vì việc khám bệnh bằng BHYT vẫn còn nhiều bất cập, thái độ phục vụ của một số cơ sở y tế chưa thực sự tốt. Người thì suy nghĩ mình luôn khỏe mạnh, có bệnh tật gì đâu mà phải mua (?).
Tại nhiều nơi, việc tuyên truyền về BHYT cũng chưa rõ ràng. Công văn hướng dẫn, nội dung tuyên truyền mới chỉ đến được cấp xã, chứ không trực tiếp đến với nhân dân. Điều này dễ dẫn đến việc hiểu chưa đúng, chưa đủ về quyền lợi khi tham gia BHYT. Cũng có những người tham gia BHYT, nhưng khi cầm được thẻ thì sai tên, địa chỉ phải làm lại; khi thì thẻ đến chậm do cán bộ kiêm nhiệm “quên”.
Cũng có khi, thẻ BHYT về đến thôn, bon, nhưng khi thông báo đến nhận thì người dân lại chưa vội lấy về vì chưa sử dụng đến. Hơn nữa, nhiều cán bộ, đảng viên cũng chưa gương mẫu, nêu gương trong việc mua BHYT cho người thân, dẫn đến tình trạng dân hùa theo không mua…
Không những vậy, tại một số nơi, người dân có tâm lý “chạy nghèo” để được cấp BHYT miễn phí…Đây chính là những nguyên nhân, hạn chế dẫn đến việc người dân chưa thực sự mặn mà với việc mua BHYT.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân tham gia BHYT chưa cao, một phần là do còn nhiều bất cập trong công tác khám, chữa bệnh. Nhiều nơi trong tỉnh đường sá đi lại khó khăn, ra bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cũng khó.
Trong khi đó, để chuyển viện thì đòi hỏi phải có giấy xác nhận của bệnh viện tuyến huyện nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Thủ tục rườm rà, khó khăn, nhiều gia đình bệnh nhân nản, mất dần niềm tin vào BHYT. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan tham mưu cho địa phương trong công tác BHYT có nơi còn chưa tốt, dẫn đến chỉ đạo chưa sâu sát. Việc giám sát của Mặt trận và tổ chức thành viên có nơi còn cầm chừng.
Nhiều cán bộ làm công tác bảo hiểm chưa có chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết nhất định về BHYT, dẫn đến vận động mua là chính, chứ chưa nói rõ được quyền lợi khi tham gia BHYT. Bởi trên thực tế, không chỉ có bệnh mới đến cơ sở y tế mà người mua BHYT vẫn có quyền đến khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe khi không có bệnh. Chính vì truyền thông chưa đến nơi đến chốn nên dẫn đến có nhiều suy nghĩ trái chiều trong nhân dân về BHYT. Do đó, tuyên truyền phải có trọng điểm, ngắn gọn, nói rõ về quyền lợi khi tham gia BHYT để người dân hiểu.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Để đạt tỷ lệ bao phủ BHYT theo lộ trình, thì mỗi cấp, ngành cần phải có sự thay đổi trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách tuyên truyền vận động để xây dựng niềm tin trong dân. Truyền thông cần phải đa dạng về nội dung, hình thức, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, thời gian. Người làm công tác tuyên truyền phải giúp người dân hiểu đúng, đủ những quyền lợi khi tham gia BHYT, biết nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp. Ngành Y tế cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ y tế trong phục vụ nhân dân. Có như vậy, BHYT mới được nhân dân đón nhận và tin tưởng.
Hoàng Hoài
Nguồn tin: Báo Đăk Nông