Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật thủy lợi, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm. Do vậy, dự thảo luật cần quy định rõ về các nội dung: chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền; Các loại hình dịch vụ thủy lợi; bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tập trung; vận chuyển ghe, thuyền qua công trình thủy lợi; tiêu thoát nước chống úng ngập; mua bán định mức sử dụng nước...để tránh chồng chéo, hoặc bỏ sót.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng đánh giá tác động về việc chuyển từ thuỷ lợi phí sang giá dịch vụ thuỷ lợi chưa rõ, như khó khăn nào sẽ gặp phải; lộ trình tính đúng, tính đủ thế nào; kinh nghiệm chuyển từ phí sang giá là gì; sự hưởng ứng của nhân dân ra sao?... Do đó, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân sẵn sàng chấp nhận chuyển từ phí sang giá.
Nhấn mạnh vấn đề phí, giá là vấn đề “đụng” đến đời sống và nhận thức của người dân, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, phí để làm nông nghiệp là cao so với thu nhập của người nông dân nên cần nghiên cứu tác động chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ rằng chuyển qua kinh tế thị trường thì phải là giá dịch vụ.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của QH (Ảnh: Q.H) “Tổng chi phí của người nông dân rất cao. Lời là anh bán lúa, gạo nhưng người nông dân gặp khó. Thực sự phải giúp người dân chứ không chỉ phục vụ quản lý Nhà nước. Người dân không lời hay giàu từ làm lúa đâu nên luật làm gì tốt nhất cho người dân. Trách nhiệm quản lý Nhà nước và người khai thác công trình thuỷ lợi cũng cần làm rõ. Không để lãi thuộc về tôi, còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước” – ông Bình nói.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết việc chuyển từ phí sang giá vì thuỷ lợi phí không nằm trong Luật phí đã được Quốc hội thông qua và nhằm thực hiện chủ trương của Đảng. Cùng với đó Nhà nước cũng có những chính sách đầu tư, hỗ trợ.
Ông Thắng nhấn mạnh: Đầu tư làm công trình thuỷ lợi nếu đặt vào vai Nhà nước thì đụng đến đâu cũng sẽ gặp khó, dù đụng đến một ít đất thì người dân cũng có phản ứng mạnh. Thực tế nếu vận động như nông thôn mới, người dân làm và Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì tốt hơn. làm tốt. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp thu để nghiên cứu kỹ hơn về chính sách, quyền tiếp cận của người dân.
Quản lý công trình thủy lợi chưa phù hợp
Nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, vấn đề này liên quan đến an ninh quốc phòng, nếu mất an toàn là thảm họa.
“Bảo vệ không tốt mà đập bị vỡ thì không biết hậu quả đến đâu. Ta mới quy định mang tính kỹ thuật chứ chưa yêu cầu bắt buộc bộ ngành, địa phương phải làm, trong đó có trách nhiệm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó công tác bảo vệ an ninh an toàn cần làm rõ hơn để tránh đùn đẩy khi tình huống xảy ra” – ông Tỵ đề nghị.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, vận hành, sử dụng công trình thuỷ lợi cũng cần cụ thể để khi xảy ra sự cố quy trách nhiệm được ngay.
Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc quản lý công trình thuỷ lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp như vừa quản lý nhà nước vừa quản lý khai thác dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân doanh nghiệp hưởng lợi, thất thoát nước rất lớn một số hồ xuống cấp do nhiều năm thiếu tiền đầu tư...
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự Luật này chưa bao quát hết được công tác thuỷ lợi trong tình hình mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phục vụ tái sản xuất nông nghiệp cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ và lưu ý bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ trong hệ thống luật.