Kết quả xác minh ban đầu của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, các loại cá tự nhiên chết đều sống ở tầng đáy; các loại cá nuôi lồng thường là loài cá có sức chống chịu rất tốt, có khả năng thích ứng với môi trường nước thay đổi. Những năm trước, vẫn có hiện tượng cá lồng chết, nhưng việc cá chết lần này khác lạ với các lần trước đó, số lượng cá chết nhiều hơn, xảy ra trên diện rộng và trong thời gian ngắn nên người dân không kịp di chuyển lồng cá.
Các cơ quan chức năng khi triển khai kiểm tra còn phát hiện, tại khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ. Toàn bộ khu vực nuôi cá lồng của xã Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ đậm hơn, nhiều cặn lơ lửng. Hiện tượng nước biển như trên phù hợp với mô tả của ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản trên biển và phát hiện hải sản tự nhiên chết.
Sau khi lấy mẫu nước kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã xác định, mẫu nước lấy tại khu vực cá lồng bị chết ở xã Nghi Sơn phát hiện có loài tảo Hairoi – Creratium furca nở hoa gây thủy triều đỏ với mật độ đạt khoảng 8 triệu tế bào/1 lít nước biển. Mẫu nước lấy tại khu vực Cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phát hiện loài tảo Creratium furca chiếm ưu thế, nhưng mật độ chỉ khoảng 500 nghìn tế bào/1 lít nước biển.
Do vậy, bước đầu xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên, cá lồng bị chết là do tác động của loài tảo Hairoi – Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa. Hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chính đối với vùng biển Tĩnh Hải và Nghi Sơn (của huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa) là do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ vào cửa sông ra biển.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã khẳng định, việc cá tự nhiên và cá lồng chết ở vùng biển khu vực xã Tĩnh Hải và xã Nghi Sơn đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh tế của nhân dân địa phương. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo huyện Tĩnh Gia tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình cá chết, khuyến cáo người dân di chuyển lồng bè còn lại ra khỏi khu vực bị ô nhiễm, không sử dụng cá chết để ăn hoặc chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, tổ chức thu gom, tiêu hủy.
Hàng chục tấn cá lồng bè chỉ sau một đêm chết trắng.
Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT cử chuyên gia, nhà khoa học vào kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân cụ thể làm cá bị chết; hướng dẫn cách xử lý hiện tượng tảo nở hoa; bổ sung điểm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, ngày 8/9, người dân dọc bờ biển thôn Bắc Yến, xã Hải Yến (huyện Tĩnh Gia) lại phát hiện cá tự nhiên bị chết trôi dạt vào bờ biển, tổng khối lượng thu gom khoảng 200kg (gồm các loại cá bơn, cá thèn, ghẹ…).
Nguồn tin: Lao động