Cái giàn khoan khổng lồ kia rồi. Chúng tôi nhìn thấy bóng dáng nó trùi trũi trong màn sương mù dù ở cách xa tận 12 hải lý. Thế rồi cả chục tàu của Trung Quốc, gồm cả tàu tuần duyên, tàu kéo và tàu rà phá mìn quân sự, bắt đầu vây lấy tàu chúng tôi.
Chiếc tàu cảnh sát biển CSB 4033 đánh một vòng khó khăn trong vùng biển gió động cấp 6. Thuyền trưởng Lê Trung Thành đang đứng cầm bánh lái, cạnh anh là các sĩ quan hỗ trợ.
Điềm tĩnh, tập trung cao độ và hành động chính xác. Vị thuyền trưởng dáng vẻ gầy gầy nhưng rắn rỏi này gây ấn tượng với mọi người bằng ánh mắt mạnh mẽ dõi theo hướng di chuyển của hai tàu tuần duyên Trung Quốc chỉ cách đó độ 150m.
Thế rồi hai tàu Trung Quốc đột ngột tăng tốc đâm vào tàu chúng tôi. Thuyền trưởng Thành cũng tăng tốc cho cả ba động cơ lên đến 12.700 mã lực. Tiếng máy gầm lên nghe inh tai. Tàu này thuộc trong bốn chiếc tàu nhanh nhất của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Cuộc chiến công luận
Cánh nhà báo chúng tôi bước ra boong tàu và hỗ trợ lẫn nhau để dựng chân máy quay phim. Chúng tôi chỉ có trong tay sổ tay, bút và máy quay phim làm vũ khí, trong khi phía đối diện bên kia Trung Quốc đang phô trương sức mạnh vũ trang của mình.
Phóng to |
Nhà báo Robert McBride của Đài truyền hình Al Jazeera tiếng Anh đang tác nghiệp. Ảnh: Võ Trung Dung. |
Trước cảnh này, Eunice - nữ phóng viên Đài CNBC (Mỹ) thường trú tại Bắc Kinh - bình luận: “Ai chiến thắng trong cuộc chiến công luận quốc tế sẽ giành thắng lợi cả cuộc chiến!”. Bên cạnh tôi, đồng nghiệp Bruno Philip của nhật báoLe Monde (Pháp) cầm chắc trong tay cuốn sổ tay và cây bút. Anh làm việc theo kiểu cũ, tức chỉ viết cho báo in. Anh hóm hỉnh: “Coi vậy mà nó chẳng bao giờ bị sự cố!”.
Chúng tôi cùng phối hợp cho loạt bài lớn này của báo Le Monde. Anh ấy viết, tôi làm phần multimedia cho trang mạng. Không xa chỗ chúng tôi, trên phần boong tàu chật hẹp này là Philippe Reltien, phóng viên thường trú của ĐàiRadio France tại Bắc Kinh. Anh đang vật vã chảy mồ hôi với cái điện thoại vệ tinh.
Nhiệm vụ của anh kể ra cũng khó: tường thuật trực tiếp từ hiện trường về Đài phát thanh quốc gia của Pháp. Dường như anh cũng ít gặp những tình huống “sóng gió” như thế này.“Kìa kìa! Hai tàu Trung Quốc đang đâm vào tàu chúng tôi với vận tốc cực cao! Thật không thể tin nổi!”, giọng Reltien như lạc đi, phần vì gió biển và chắc cũng không phải không có nỗi sợ hãi. Cách Hoàng Sa những 12.000 km, những thính giả người Pháp và người nghe bằng tiếng Pháp của đài trên khắp thế giới hẳn cũng dễ mường tượng sức nóng của tình hình qua giọng nói của thông tín viên, qua tiếng động cơ tàu gầm rú, tiếng sóng vỗ ì đùng ...
Phóng to |
Nhà báo Chong Pak, người Anh gốc Hàn Quốc, làm cho Đài CNBC của Mỹ, tác nghiệp tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Võ Trung Dung. |
Giọt nước mắt hạnh phúc của Hùng
Tàu CSB 4033 rời đi rồi vòng lại. Các tàu Trung Quốc cố áp sát chúng tôi. Cuộc vờn đuổi kéo dài nhiều hải lý. Thuyền trưởng Thành tâm sự với tôi bằng chất giọng Quảng Ngãi: “Chúng tôi có thể bỏ xa hai tàu Trung Quốc chẳng mấy khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn phải giữ khoảng cách hợp lý để cho họ thấy họ đang ở trong vùng biển của chúng tôi. Chúng tôi giữ khoảng cách để tránh va chạm, tránh sự khiêu khích và bảo vệ tàu của mình.Chúng tôi cần giữ tàu nguyên vẹn để thực thi nhiệm vụ chứ chúng tôi chả sợ gì họ.Chưa bao giờ sợ!”. Những chiến sĩ trên tàu cũng thế. Như thuyền viên Hùng, người Quảng Nam, thực thi nhiệm vụ trên tàu đã hơn một tháng qua. Vợ anh ở nhà mới sinh con đầu lòng. Anh rất muốn nói chuyện với vợ và nghe tiếng con khóc. Mong muốn của anh làm động lòng nhà báo Nhật tên Kita. Anh chàng phóng viên Đài Tokyo TVcủa Nhật đã cho Hùng mượn chiếc điện thoại vệ tinh. Những giọt nước mắt đã chảy dài trên gương mặt sạm nắng của chàng thủy thủ. Cánh nhà báo chúng tôi cũng không nén được xúc động trước niềm hạnh phúc tưởng chừng giản đơn đó của con người: ở bên cạnh vợ lúc sinh con. Đã năm ngày trên biển rồi. Xung quanh chỉ toàn nước và... tàu Trung Quốc! Mỗi ngày hai lần tàu chúng tôi tìm cách tiếp cận giàn khoan, còn lại thì cánh nhà báo bàn luận với nhau về tình hình biển Đông, về cân bằng địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương. “Trận đấu này là bất cân xứng xét theo số tàu. Một tàu Việt Nam chống năm tàu Trung Quốc! Nhưng người Việt Nam can đảm thật. Tiếp cận bằng mọi giá. Tôi phục sát đất!”, cô Samantha Hawley, nhà báo tóc vàng người Australia làm việc cho Đài truyền hình ABC, bình luận. Để đi chuyến này, cô đã phải gửi hai con cho người ta chăm giúp ở Bangkok. Vùng biển mang tên Thái Bình chắc sẽ còn nóng lâu dài. Nhà báo người Anh Robert McBride, làm việc cho Đài truyền hình Al Jazeera International(Qatar), nhận định: “Trung Quốc đang dựa vào sức mạnh để bất chấp mọi luật lệ và họ có thể còn gây ra việc chiếm đóng như thế này nhiều năm nữa”.
Nhiệm vụ của những người như chúng tôi sẽ còn dài lắm. Đặt cặp kính lên bàn cạnh các thứ tài liệu tranh thủ mang theo để đọc, nhà báo Bruno Philip như thể kết luận: “Ở đây, chúng ta tận mắt chứng kiến tình hình nhưng chúng ta còn cần phải hiểu vấn đề một cách khoa học. Chỉ có bằng cách đó cùng với các sự việc đã thấy, chúng ta mới có thể mang lại cho độc giả câu trả lời đáng tin cậy nhất. Những tài liệu đến từ nhiều quốc gia này sẽ giúp chúng ta không để tình cảm cá nhân xen vào bài viết về một sự kiện phức tạp như thế này...”.