Trạm radar trên đặt trên đảo Yonaguni - cách Senkaku 150 km về phía Nam, cách Đài Loan khoảng 100 km về phía Đông và gần rìa một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập hồi năm 2013.
Một số chuyên gia cho biết trạm radar ngoài mục đích thu thập thông tin tình báo còn có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nhật Bản trong khu vực, đặc biệt nhằm đối phó những hành động bị xem là khiêu khích của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông như đưa tàu đến gần Senkaku và xây dựng giàn khoan thăm dò dầu khí.
Một căn cứ quân sự mới, gồm khoảng 160 thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), được thành lập trên đảo Yo-naguni để vận hành trạm radar mới. Trong 5 năm tới, SDF sẽ tăng khoảng 20% lực lượng ở biển Hoa Đông, lên gần 10.000 người, đồng thời triển khai các hệ thống tên lửa để hình thành bức màn bảo vệ chuỗi đảo trải dài 1.400 km, tính từ thềm lục địa Nhật Bản, qua đó góp phần ngăn Trung Quốc bành trướng ở Tây Thái Bình Dương.
Chiến lược này chắc chắn khiến quan hệ Nhật - Trung thêm xấu, nhất là khi Bắc Kinh đang khó chịu trước sự can thiệp của Tokyo vào tình hình biển Đông. Báo Nikkei hôm 28-3 tiết lộ trong cuộc điện đàm “gay gắt” gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida không đề cập chuyện biển Đông tại các hội nghị ngoại trưởng và thượng đỉnh của nhóm G7 (7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) dự kiến diễn ra tại Tokyo trong tháng 4 và 5-2016.
Theo Nikkei, biển Đông hiện là một trong những nguyên nhân chính cản trở 2 nước “hòa giải”. “Nhật Bản nói về chuyện cải thiện quan hệ nhưng lại bắt tay với Mỹ và những nước khác trong khu vực nhằm nỗ lực bao vây Trung Quốc” - Bắc Kinh phàn nàn với Tokyo thông qua một kênh ngoại giao không chính thức. Một nỗi lo khác của giới lãnh đạo Trung Quốc là Nhật Bản có thể “bắt tay” với chính quyền sắp tới của Đài Loan.
Nguồn tin: NLĐ Online