Tờ Sankei Shimbun cho biết ông Abe dự kiến tuyên bố Nhật Bản và Mỹ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN. Giáo sư Koichi Nakano tại Trường ĐH Sophia (Tokyo) nhận định ông Abe có thể nhân Đối thoại Shangri-La để "công khai mục tiêu Nhật Bản trở thành quốc gia đóng vai trò tích cực hơn tại châu Á bằng cách sử dụng liên minh Mỹ- Nhật làm nền tảng”.
Theo Sankei, dù Tokyo ít triển khai quân sự nhưng cam kết hỗ trợ từ phía chính quyền Nhật Bản tới Việt Nam và Philippines vẫn hết sức mạnh mẽ, dưới hình thức cung cấp tàu tuần tra và những bênh vực công khai.
Bên cạnh đó, ông Abe cũng hy vọng động thái hợp tác của Nhật Bản sẽ khiến các nước lớn khác còn rụt rè sẽ chung tay kiềm chế mộng bá quyền và bành trướng của Trung Quốc.
Còn theo Kyodo, tại Đối thoại Shangri-La, ông Abe nhiều khả năng thúc giục Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế theo đúng với tinh thần của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và kêu gọi Bắc Kinh tham gia “các cuộc đối thoại mang tính xây dựng”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm 27-5, nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận hành động sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thay đổi hiện trạng”.
Tuy nhiên, theo giáo sư Nakano, sẽ không khôn ngoan nếu ông Abe dùng biện pháp “quá cứng rắn” và đặt các quốc gia ASEAN vào tình thế phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe không ngừng củng cố quan hệ với ASEAN và đã thăm tất cả 10 nước thành viên ít nhất một lần. Dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản chưa một lần sang thăm Trung Quốc cũng như chưa chính thức gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nguồn tin: NLĐ Online