Tại cuộc họp báo, TCty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) cung cấp một thông cáo báo chí về kiểm tra việc sử dụng điện tháng 6 của một số hộ dân theo phản ánh có hoá đơn tiền điện tăng đột biến từ gấp đôi đến gấp 10 lần so với bình thường. Qua kiểm tra, EVN Hà Nội cho biết, TCty đã cử người xuống tận nơi kiểm tra hệ thống dây vào và ra công tơ trước sự chứng kiến của khách hàng, phần lớn khách hàng đều đồng ý với kết luận của đoàn kiểm tra và có biên bản giữa 2 bên. 

Tại thời điểm kiểm tra, công tơ điện khách hàng thắc mắc chạy nhanh, các thông số kiểm tra đều cho thấy công tơ hoạt động bình thường. Có một trường hợp khách hàng ở Trương Định (Quận Hoàng Mai, HN) thắc mắc tiền điện tháng 6 tăng gấp 10 lần, Cty Điện lực Hoàng Mai đã kiểm tra thực tế. Kết quả từ tháng 12.2013 đến tháng 4.2014, nhà không có người ở, khách hàng mới dọn về từ tháng 5.2014 đến nay nên chỉ số tăng. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quang Trung, Phó TGĐ EVN Hà Nội khẳng định: Có nhiều lý do dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ tăng cao như nắng nóng kéo dài, nhu cầu làm mát của khách hàng tăng vọt, đợt nắng nóng trùng với thời gian nghỉ hè của học sinh dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng, chu kỳ hoá đơn tiền điện trùng với đợt nắng nóng... không hề có lý do nào chủ quan của ngành điện.

Tuy nhiên, mới đây, tại Sóc Sơn, khách hàng phản ánh hiện tượng có tới 200 đến 300 công tơ ghi thiếu tiền điện. Sau khi kiểm tra, EVN Hà Nội cho biết đã phải tiến hành xử lý 2 nhân viên ghi chỉ số công tơ đã có hành vi tắc trách, ghi sai chỉ số khiến tiền điện bị giảm đột ngột so với tháng trước.

Nhiều khách hàng lo ngại, đợt điều chỉnh giá điện từ 1.6 chính là nguyên nhân dẫn đến việc giá định tăng, giảm đột ngột thời gian qua, ông Nguyễn Quang Trung khẳng định: Việc tăng tiền điện trên hoá đơn của khách hàng hoàn toàn không phải do tăng giá điện từ 1.6, mà việc điều chỉnh giá còn khiến khu vực sử dụng điện sinh hoạt được lợi hơn do giảm giá điện.

Chất lượng điện thấp, ai chịu?

Đưa ra một số liệu thống kê của Bộ Công Thương về tỉ lệ khiếu nại của khách hàng sử dụng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: 72% khiếu nại là của khách hàng có mức sử dụng điện từ 400 số (kWh) trở lên, 28% khiếu nại của khách hàng có mức sử dụng từ trên 100 số đến 400 số. Không có khách hàng sử dụng dưới 100 số khiếu nại. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, giá điện, giá xăng dầu tới đây sẽ điều hành theo cơ chế thị trường, nhà nước chỉ trợ giá đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, có mức sử dụng điện dưới 50kWh/tháng. Ngoài ra, đối với các khu vực biên giới, hải đảo, ngành điện đang thực hiện đưa cáp ngầm ra đảo để cấp điện lưới quốc gia, cũng sẽ được sử dụng giá điện như trong đất liền.

Liên quan đến chất lượng điện áp ở nhiều khu vực tại Hà Nội không ổn định làm hỏng hóc nhiều thiết bị sử dụng điện của người dân, EVN Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao? Liệu có cơ quan giám sát độc lập không thuộc ngành điện để giám sát việc ghi chỉ số công tơ? 

Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Quang Trung- Phó TGĐ EVN Hà Nội thừa nhận trên địa bàn EVN Hà Nội quản lý còn một số nơi điện áp không ổn định, nhưng lại cho rằng, ngành điện đang cho đi khảo sát sẽ có câu trả lời chính thức, có địa chỉ cụ thể mới xác định được nguyên nhân. Đối với việc ghi chỉ số công tơ, hiện ngành điện có khoảng 1.200 nhân viên ghi chỉ số, thông thường hoá đơn tiền điện sẽ tính theo lượng điện thực tế khách hàng sử dụng trong kỳ ghi chỉ số.

 Còn khả năng của cơ quan giám sát độc lập, theo ông Đinh Hữu Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc này do các Sở Công Thương các địa phương thực hiện, song hầu hết các sở công thương đều thiếu nhân lực giám sát. Ông kêu gọi người dân cùng tham gia giám sát việc ghi chỉ số, nếu phát hiện sai phạm, thuộc trách nhiệm ngành điện sẽ phải bị xử lý.