Theo Sở Giao thông-Vận tải, mặc dù các đơn vị đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng các hạng mục dự án nhưng quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được các bên liên quan vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ.
Do tiến độ thi công Quốc lộ 14, đoạn đi qua xã Trường Xuân (Đắk Song) còn dang dở nên các đoàn xe lưu thông rất chậm. Ảnh: Đ.H |
Tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh đã được UBND các huyện, thị xã bàn giao 100% mặt bằng trong phạm vi thi công cho các nhà đầu tư và chủ đầu tư dự án theo đúng tiến độ, góp phần để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm an toàn giao thông, tránh ùn tắc kéo dài trên toàn tuyến.
Bên cạnh đó, công tác phê duyệt và giải ngân vốn cũng đang bảo đảm yêu cầu, đúng chế độ quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi chung, hiện nay, việc triển khai dự án cũng đang gặp một số tồn tại, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ do phát sinh các hạng mục, khối lượng nằm ngoài phương án dự toán ban đầu.
Theo chủ trương của Bộ Giao thông-Vận tải thì việc giải phóng mặt bằng của dự án này chỉ thực hiện trong phạm vi thi công. Vì thế, phạm vi hành lang an toàn hoặc những đoạn cong cua cần nắn tuyến chưa được đưa vào phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, quá trình thực hiện dự án, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh phải nắn tuyến khá nhiều.
Đơn cử như trên đoạn tuyến từ km765+00 đến km817+00 và cầu 14 đã phát sinh ngoài dự toán 21 đoạn, trong đó có 195 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, với diện tích ước tính phải thu hồi là 53.200m2 do phần hành lang an toàn đường bộ của các đoạn nắn chỉnh tuyến mới.
Mặt khác, toàn tuyến có phát sinh 27 vị trí tại cống ngang thoát nước xây dựng rãnh dẫn dòng sau cống tới hạ lưu, với tổng diện tích thu hồi khoảng 10.000m2, tương đương số tiền hỗ trợ đền bù phát sinh là 26,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, toàn tuyến có 13 đoạn có mái ta luy đào sâu hoặc đắp cao trên 2m, làm ảnh hưởng đi lại của người dân buộc phải hỗ trợ đền bù, làm đường dân sinh theo quy định với số tiền phát sinh dự kiến trên 1,3 tỷ đồng. Những phát sinh trên chưa được giải quyết đã dẫn đến phản ánh, khiếu nại của một số hộ dân bị ảnh hưởng.
Từ những vướng mắc trên, mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị cấp có thẩm quyền và đơn vị liên quan sớm có giải pháp để tháo gỡ. Cụ thể, đối với các đoạn nắn chỉnh tuyến mới chưa có quy hoạch hành lang an toàn đường bộ, UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Giao thông-Vận tải sớm có chủ trương và công bố quy hoạch để làm cơ sở cho địa phương cấp phép xây dựng cho các hộ dân sinh sống ổn định; bố trí bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng cho địa phương để chi trả cho hộ gia đình cá nhân bị thiệt hại với số tiền khoảng 26,8 tỷ đồng.
Những đoạn có mái ta luy đào sâu, đắp cao lớn hơn 2m làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, UBND tỉnh đã kiến nghị với Bộ Giao thông-Vận tải, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư dự án) hỗ trợ kinh phí làm đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận tiện an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông và đồng thời cho lắp đặt mặt rãnh thoát nước bằng tấm bê tông cốt thép đối với các vị trí đào sâu, đắp cao này.
Riêng diện tích đất dẫn dòng của hệ thống cống thoát nước trên tuyến làm ảnh hưởng và thiệt hại đến hoa màu, cây trồng của các hộ dân, UBND tỉnh đã cho chủ trương thu hồi và kiến nghị với Bộ Giao thông-Vận tải, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh bổ sung kinh phí kịp thời để các huyện kê khai đền bù cho các hộ dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị thi công tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong công tác hỗ trợ đền bù, đảm bảo lưu thông và an toàn giao thông trong quá trình xây dựng.
Đức Diệu
Nguồn tin: Báo Đăk Nông