Những bí mật thay đổi nhận thức về sao Hỏa

Thứ hai - 09/11/2015 21:35 776 0
Từ những vùng hồ cổ đại đến khí quyển bị đánh cắp, nhân loại đã biết thêm vài bí mật quan trọng của hành tinh đỏ trong năm 2015 nhờ vào tàu thăm dò Curiosity và sự hợp lực của thế giới.

 

Hình ảnh minh họa giả thuyết mặt trời tước đoạt khí quyển sao Hỏa - Ảnh: NASAHình ảnh minh họa giả thuyết mặt trời tước đoạt khí quyển sao Hỏa - Ảnh: NASA
Với tàu thăm dò vẫn tiếp tục cuộc hành trình đơn độc trên bề mặt sao Hỏa, một phi thuyền lao xuyên khí quyển và vô số đội ngũ chuyên gia địa cầu, thế giới đầy bí ẩn của hành tinh đỏ đang dần lộ diện trước nhân loại, theo Space.com và tờ The New York Times.
Nước lỏng trên sao Hỏa
Sau nhiều thập niên, chứng cứ về sự tồn tại của nước lỏng trên sao Hỏa đã xuất hiện vào tháng 7. Nhóm chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tìm thấy muối hydrat hóa, dấu vết cho thấy sự hiện diện của nước lỏng, ở 4 địa điểm, nơi các vệt đen từng chảy xuống các địa hình của hành tinh.
NASA vẫn chưa biết rõ nguồn gốc của những luồng chảy mặn xuống đồi này, nhưng đây là lần đầu tiên họ tìm được một chứng cứ có thể xác nhận sự tồn tại của loại chất lỏng có liên quan mật thiết với sự sống.
Khí quyển bị thổi bay
Vào giữa tuần, NASA công bố một loạt các phát hiện mới về khí quyển của sao Hỏa, theo đó có thể hỗ trợ giải mã bí ẩn về chuyện gì đã xảy ra đối với hành tinh đỏ, vốn vài tỉ năm trước vẫn còn là một thế giới ấm áp, ẩm ướt, sở hữu bầu khí quyển dày hơn hiện nay gấp 100 lần.
Ngày nay, sao Hỏa quá sức khô ráp, lạnh lẽo và liên tục hứng đòn tấn công của bức xạ vũ trụ. Đây là số phận dành cho một thế giới không được lá chắn từ trường mạnh mẽ đủ sức bảo vệ nó khỏi sự dội bom liên miên của mặt trời. Phát hiện mới từ phi thuyền Maven của NASA đang giúp con người tìm hiểu điều gì đã và đang xảy ra cho sao Hỏa. Theo đó, các cơn bão mặt trời đã thổi bay mọi phân tử cấu thành khí quyển sao Hỏa với tốc độ kinh hoàng, và theo thời gian đã lột bay lớp khí quyển có thể bảo vệ hành tinh.
Hồ cổ đại
Vào tháng 10, các nhà khoa học NASA phát hiện chứng cứ về sự có mặt của những vùng hồ có thể đã bám trụ đến 10.000 năm, tức đủ lâu để sự sống có thể phát triển trên địa hình đầm lầy gồm những dòng suối cạn và đồng bằng. Kết quả phân tích trầm tích cho thấy nước từng chảy, mang theo sỏi và cát vào hố va chạm khổng lồ tên Gale. Tại trung tâm của hố va chạm có một ngọn núi tên là Núi Sharp, bản thân nó là sự tích tụ của vô số lớp trầm tích dày 4,8 km.
Nước ngầm
Vào tháng 4, tàu thăm dò Curiosity tìm được chứng cứ cho thấy có nước lỏng bên dưới bề mặt sao Hỏa, trong khi kết quả ghi nhận nhiệt độ bên trong hố va chạm Gale cho thấy môi trường ở đây phù hợp cho nước muối lỏng xuất hiện. Phát hiện mới cho thấy đất sao Hỏa ẩm ướt với nước có thể duy trì trạng thái lỏng nhờ vào một dạng muối hỗn hợp can xi perchlorate, hóa chất cho phép sao Hỏa giữ được nước ở mức nhiệt độ -70 độ C.
Cực quang
Các chuyên gia thuộc sứ mệnh phi thuyền Maven cũng phát hiện gió mặt trời tạo nên những quầng tương tự cực quang phía bắc vắt ngang bầu trời sao Hỏa. Đây là hiện tượng xảy ra khi các hạt điện tích cao đi xuyên qua tầng khí quyển không có từ trường bảo vệ. Theo lý thuyết, cực quang sao Hỏa sẽ có các màu đỏ, xanh dương, xanh lục, tức nằm ở quang phổ có thể thấy được bằng mắt người, nhưng phía NASA vẫn chưa xác nhận điều này do tàu thăm dò thiếu thiết bị “ngắm” cực quang.
Sự hiện diện của cực quang đồng thời cho thấy hầu hết bề mặt sao Hỏa đều bị gió mặt trời tấn công, cung cấp thêm chứng cứ cho thấy chính mặt trời là thủ phạm tước đoạt khí quyển của sao Hỏa.

Hạo Nhiên

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay5,652
  • Tháng hiện tại61,235
  • Tổng lượt truy cập41,241,836
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây