![]() |
Còn một số địa phương chưa thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ trực tiếp tiền học phí được miễn, giảm cho HSSV |
Thủ tục miễn học phí cho sinh viên mồ côi chưa thống nhất
Sau khi tham khảo quy định về việc miễn giảm học phí đối với HSSV, ông Thanh Giang (thanhgiang11@...) phản ánh: Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 49/2010/Nđ-CP, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa là một trong những nhóm đối tượng được miễn học phí.
Theo điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDđT-BTC-BLđTBXH, hồ sơ đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn học phí phải bao gồm bản sao Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện (Hiện nay theo mẫu số 5 Thông tư số 24/2010/TTLT-BLđTBXH-BTC ngày 18/8/2010 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính).
Tuy nhiên, căn cứ theo Thông tư 24/2010/TTLT-BLđTBXH-BTC và Nghị định 67/2007/Nđ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ, mẫu số 5 nêu trên chỉ cấp cho trẻ em dưới 16 tuổi hoặc từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu còn đi học, nhưng thực tế sinh viên hầu hết đều từ 18 tuổi trở lên.
Theo ông Giang, như vậy quyết định miễn học phí cho sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa sẽ không có giá trị nếu sinh viên đó mồ côi trước năm 18 tuổi. Sinh viên mồ côi sau năm 18 tuổi cũng không được miễn học phí do không đủ điều kiện để được cấp bản sao Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Do đó, ông Thanh Giang đề nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy định để sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ có thể nhận tiền miễn học phí, tránh chồng chéo mâu thuẫn trong các văn bản hướng dẫn.
Chưa quy định rõ chuyên ngành độc hại được giảm học phí
Ông Lê Văn Tràng (Bình định) có con trai đang học năm thứ nhất khoa Kỹ thuật hóa học, trường đại học Bách khoa - đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDđT-BTC-BLđTBXH, sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại được giảm 70% học phí.
Cũng theo hướng dẫn tại Thông tư trên, chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại được quy định tại các Quyết định sau: Quyết định số 1453/LđTBXH-Qđ, Quyết định số 915/LđTBXH-Qđ, Quyết định số 1629/LđTBXH-Qđ, Quyết định số 190/1999/Qđ-LđTBXH, Quyết định số 1580/2000/Qđ-LđTBXH, Quyết định số 1152/2003/Qđ-LđTBXH.
Sau khi con trai của ông Tràng được trường cấp giấy xác nhận đang theo học chuyên ngành độc hại theo Quyết định số 1152/2003/Qđ-BLđTBXH để làm thủ tục giảm 70% học phí, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình định cho rằng, giấy xác nhận của trường không thể hiện rõ chuyên ngành độc hại mà con ông Tràng đang theo học nên không thể giải quyết giảm học phí.
Tuy nhiên, theo ông Tràng, việc quy định các chuyên ngành học thuộc chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại dựa trên các Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chứ chưa có danh mục cụ thể về chuyên ngành học thuộc ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Do đó, căn cứ xét duyệt giảm học phí cho sinh viên theo học chuyên ngành độc hại chưa rõ ràng.
Ông Tràng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét hướng dẫn, ban hành danh mục cụ thể để sinh viên cũng như Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương, nơi chi trả tiền miễn, giảm học phí có cơ sở thực hiện.
đề nghị bổ sung đối tượng chính sách được miễn học phí
Sinh viên Nguyễn Công Hành (conghanh88@...) hiện đang theo học Khoa Cơ khí, đại học Bách Khoa đà Nẵng. Mẹ sinh viên Hành tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày từ năm 1972. Theo khoản 1, Điều 4 Nghị định 49/2010/Nđ-CP và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 thì sinh viên Hành thuộc diện được miễn học phí.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm 1, phần I Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BL đTBXH-BGDđT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ về đối tượng áp dụng đã quy định như sau:
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B.
- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh; con bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Nghị định 49/2010/Nđ-CP và Thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDđT-BTC-BLđTBXH khi hướng dẫn về đối tượng được miễn học phí đối với người có công với cách mạng và con của họ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 chỉ nhắc lại những nội dung đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 16/2006/TTLT/BL đTBXH-BGDđT-BTC của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ. Nhưng trong nội dung hướng dẫn về đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch 16/2006/TTLT/BL đTBXH-BGDđT-BTC lại không có đối tượng như trường hợp sinh viên Hành.
Sinh viên Hành kiến nghị xem xét, sửa đổi quy định để những trường hợp tương tự được miễn học phí.
Mong muốn được miễn, giảm trực tiếp tại trường
Ông Nguyễn Bá Chuyên (huyện Eakar, tỉnh đắk Lắk, email: bachuyen52@...) là thương binh hạng 4/4, hiện có hai con đang học đại học. Theo Nghị định 49/2010/Nđ-CP, hai con của ông Chuyên được miễn học phí.
Theo quy định, sinh viên các trường công lập thuộc diện chính sách phải đóng 100% học phí tại trường, sau đó nhận lại khoản học phí đó tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu sau 15 ngày, kể từ ngày nộp đơn xin hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, dù đã sắp hết học kỳ II năm học 2011 - 2012, gia đình ông mới được cấp tiền học phí của học kỳ I năm học 2010 - 2011. Hiện nay, 70% số tiền học của hai con là tiền gia đình đi vay lãi ngân hàng.
Ông Chuyên cho rằng, việc không miễn học phí trực tiếp cho sinh viên ngay tại trường mà thực hiện đóng học phí rồi về địa phương xin cấp bù khiến phát sinh nhiều khó khăn cho sinh viên và gia đình. Nhà nước cũng phải chi trả một số tiền lương rất lớn cho một hệ thống cán bộ làm công việc thu rồi trả lại cho người dân.
Ngoài ra, ông Chuyên suy nghĩ, đa số các gia đình được miễn, giảm học phí đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc cơ quan chức năng nhà nước quy định phải đóng tiền học phí trước, mang biên lai về mới được chi trả thì là làm khó cho dân.
Ông Chuyên cho biết, trên thực tế, người dân đã đi vay để đóng tiền đi học cho con, nếu không nhà trường không cho học và hiện rất nhiều gia đình giống gia đình ông, đang mắc nợ và phải trả lãi hàng ngày, hàng tháng. Cho rằng việc áp dụng như hiện nay gây nên sự lãng phí và thiệt thòi cho người dân, ông Chuyên đề xuất nên miễn, giảm học phí cho HSSV trực tiếp tại nhà trường thay cho quy trình miễn, giảm như hiện nay.
đây cũng là ý kiến của các sinh viên: Trần Thanh Tập (Thuận Bắc, Ninh Thuận), Phạm Quang Thắng (Nông Sơn, Quảng Nam), Trương Văn Quang (Phong Điền, Thừa Thiên Huế)...
Cần đơn giản hóa trình tự, thủ tục và hồ sơ
Sinh viên Lê Thị Thảo Lưu (Tiên Phước, Quảng Nam) đang gặp khó khăn do vướng mắc về thủ tục xin cấp tiền miễn, giảm học phí. Sinh viên Lưu thuộc diện được miễn học phí và đã hoàn thiện hồ sơ xin miễn giảm. Tuy nhiên, hồ sơ của sinh viên Lưu không được nhận vì theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, sinh viên Lưu phải có biên lai thu tiền của nhà trường. Trong khi đó, trường đại học nơi sinh viên Lưu đang theo học lại thu tiền học phí qua Ngân hàng Agribank nên sinh viên Lưu chỉ có biên lai thu tiền của ngân hàng.
Do vướng về thủ tục, 2 năm học qua, sinh viên Lưu không được cấp tiền miễn, giảm học phí. Bố mẹ sinh viên Lưu là công nhân, lại đang nuôi 6 chị em ăn học nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo phản ánh của sinh viên đặng Xuân Hinh (Kim Sơn, Ninh Bình; emai: dangxuanhinh@...), căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDđT-BTC-BLđTBXH, các đối tượng được miễn, giảm học phí được cấp trực tiếp tiền hỗ trợ, miễn, giảm học phí nhưng quy định về trình tự, thủ tục và hồ sơ đang được thực hiện còn gây khó khăn cho HSSV được thụ hưởng chính sách.
Cụ thể, khi sinh viên vào học, điều đầu tiên là các cơ sở giáo dục đào tạo yêu cầu sinh viên đóng học phí nhưng lại chưa thực sự quan tâm đến việc xác nhận sinh viên là người học của nhà trường như theo quy định của Thông tư, làm cho sinh viên phải đi lại nhiều lần để xin xác nhận, gây chậm trễ thời gian nộp hồ sơ. đặc biệt, sinh viên ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại không thuận lợi thì lại càng khó khăn.
Bên cạnh đó, theo sinh viên Hinh, thủ tục hồ sơ xin cấp tiền miễn, giảm học phí cũng quy định quá nhiều loại giấy xác nhận. Sinh viên nghèo nhưng phải photo, in ấn để hoàn tất hồ sơ gây tốn nhiều chi phí.
Các sinh viên Phan Thị Ãnh Nguyệt (Tuy Hòa, Phú Yên), Bùi Hoàng Minh Châu (Nghệ An), Trần đình Anh (Hương Khê, Hà Tĩnh),... cũng bày tọ mong muốn Chính phủ xem xét đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV thuộc đối tượng miễn, giảm học phí.
Xem xét miễn, giảm học phí cho sinh viên đại học dân lập
Gia đình ông Nguyễn Hữu Bảo (huubao@...) có con trai đang theo học tại một trường đại học dân lập và có hộ khẩu cư trú tại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển tỉnh Hà Tĩnh. Khi biết thông tin sinh viên cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn được miễn học phí, gia đình ông Bảo rất vui mừng.
Tuy nhiên, khi liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, ông Bảo được biết, chế độ miễn, giảm học phí theo Nghị định 49/2010/Nđ-CP chỉ áp dụng với sinh viên theo học ở các trường đại học công lập, không áp dụng với trường hợp sinh viên theo học tại các trường đại học dân lập.
Theo ông Bảo, việc áp dụng như vậy là thiếu hợp lý vì sinh viên có hộ khẩu cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì dù học đại học công lập hay đại học dân lập, gia đình sinh viên đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như nhau và cần được sự hỗ trợ. Mặt khác, trường đại học dân lập cũng do Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý chất lượng. Do đó, ông Bảo mong muốn cơ quan chức năng xem xét để sinh viên theo học tại các trường đại học dân lập được miễn, giảm học phí.
Nguồn tin: baodientuchinhphu