Cùng với đó, các cấp, ngành chuyên môn của huyện cũng thường xuyên chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống ngắn ngày nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tránh hạn rủi ro, bất lợi do thời tiết. Huyện cũng tích cực khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn cao, thị trường tiêu thụ mạnh nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân.
Gia đình ông Hoàng Văn Vừ ở thôn 20, xã Đắk D’rông trước đây chuyên trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo của tỉnh, huyện về tổ chức, ông đã nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp.
Từ đó, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với việc tham quan, học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả và đã chuyển đổi 7 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, cỏ VA 06, rau màu, kết hợp với chăn nuôi bò, lợn, gà...
Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Vừ có thu nhập gần 100 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với trồng lúa trước đây.
Ông Hoàng Văn Vừ chuyển đổi 7 sào lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và cỏ VA 06 |
Còn gia đình bà Phạm Thị Bình ở thôn 1, xã Trúc Sơn đã đầu tư cải tạo đất ruộng năng suất thấp sang trồng hoa huệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Bình cho biết: “Nhận thấy hoa huệ là cây dễ trồng dễ chăm sóc và hiện nay nhu cầu thị trường vào thời điểm nào cũng rất cần nên tôi đã chuyển đổi 2 sào ruộng lúa một vụ sang trồng hoa huệ. Cây hoa huệ trồng từ 3-4 tháng là bắt đầu cho thu hoạch, 2 tháng tiếp theo cây huệ cho bông ổn định và thời gian thu hoach kéo dài từ 3 năm trở lên. Trồng hoa huệ cần phải được chăm sóc kỹ, chủ yếu là sử dụng phân bón hữu cơ thì bông mới đẹp, cánh hoa dày, mùi hương đậm đà”.
Theo bà Bình thì cứ 1 tuần là bà cắt hoa một lần gần 2.000 bông, với giá thị trường từ 1.500-2.000 đồng/1 bông, sau khi trừ chi phí bà có lãi trên 3 triệu đồng. Theo UBND xã Trúc Sơn thì hiện nay trên địa bàn đã có 8 hộ trồng hoa huệ, địa phương cũng đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con.
Tại các địa phương khác như Tâm Thắng, Đắk Wil, Nam Dong, thị trấn Ea T’ling… việc chuyển đổi diện tích đất một vụ lúa kém năng suất, không chủ động được nước tưới, đất nương rẫy, đất vườn tạp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hoa màu, mía nguyên liệu đã đưa lại những nguồn thu nhập cao.
Hiện nay, toàn huyện có 460 ha mía, tập trung tại các xã Trúc Sơn, Nam Dong, Ea Pô... với năng suất trung bình đạt trên 60 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 30.000 tấn. Nhờ được Công ty Cổ phần Mía đường Ðắk Nông hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên cây mía đã giúp người nông dân có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Cũng theo UBND huyện Chư Jút, thời gian tới, huyện sẽ hình thành những vùng chuyên canh dựa vào lợi thế của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như hỗ trợ vốn cho người dân để công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đi vào thế ổn định, vững chắc, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: Văn Tâm
Nguồn tin: Báo Đăk Nông