Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục

Thứ năm - 04/09/2014 07:58 960 0
Năm học mới 2014-2015 sắp bắt đầu. Trước thềm năm học mới, phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Trương Anh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học và việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ năm học.

P.V: Thưa ông, trong năm học qua, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?

Ông Trương Anh: Trong năm học qua, các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng và thiết thực hơn. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin ở các bậc học đã có những chuyển biến tích cực.

Chất lượng giáo dục ở các nhà trường được đánh giá trung thực, khách quan và được nâng lên so với các năm học trước. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các bậc học ngày càng tăng; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 đạt 97,9%.

Toàn tỉnh có 64/71 xã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 90,1% và tăng 67,1% so với cùng kỳ năm học trước. Nhờ đẩy mạnh việc tăng cường tiếng Việt nên tỷ lệ học sinh ở bậc tiểu học bỏ học ngày càng giảm; tỷ lệ học sinh học giỏi môn tiếng Việt ngày càng tăng.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi cho 70/71 xã, phường. Toàn ngành đã huy động các nguồn lực nhằm xóa dần số lượng phòng học tạm, mượn cũng như tập trung đầu tư có trọng điểm ở một số trường để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Vì vậy, hiện toàn tỉnh đã có 71 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, bậc mầm non: 10 trường, tiểu học: 37 trường, THCS: 20 trường và THPT: 4 trường. Nhờ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nên trong năm học qua, ngành giáo dục đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng Cờ thi đua vì hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở xã Đắk D'rô (Krông Nô) được xây dựng thêm 8 phòng học mới, đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày ở các khối lớp. Ảnh: N.H

P.V: Nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2014-2015 là gì, thưa ông?

Ông Trương Anh: Trong năm học 2014-2015, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với những mục tiêu và lộ trình cụ thể, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện và bền vững.

Vì vậy, cùng với việc phát huy kết quả các cuộc vận động, phong trào thi đua đã đạt được trong năm học qua, ngành tập trung thực hiện thành công 4 nhóm nhiệm vụ chính: Công tác quản lý giáo dục và đào tạo; Tổ chức các hoạt động giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính. Ở từng nhóm nhiệm vụ, ngành đã đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ mang tính trước mắt và cấp bách.

Theo đó, ở bậc mầm non, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 1/8 huyện, thị xã được công nhận phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Vì vậy, ngành sẽ tiếp tục tăng cường khắc phục khó khăn, đầu tư xây dựng thêm phòng học mới, thu hút giáo viên về các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đầu tư thêm trang thiết bị, đồ chơi cho những trường mầm non còn thiếu để hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 theo yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Đối với bậc tiểu học, ngành tập trung triển khai các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dạy học như áp dụng dạy Công nghệ 1, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số... Việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh ở tất cả các cấp học cũng sẽ được triển khai đồng bộ và sâu rộng hơn.

P.V: Theo ông, để đáp ứng nhu cầu trong năm học mới, ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị về mọi mặt như thế nào?

Ông Trương Anh: Theo thống kê, dự kiến năm học 2014-2015, toàn tỉnh từ bậc mầm non đến phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên có khoảng 150.590 học sinh, tăng so với cùng kỳ năm học trước là 1.765 em. Để đáp ứng nhu cầu về trường, lớp học, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư 165 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất; trong đó xây mới được khoảng 199 phòng học.

Số phòng học mới được xây dựng tập trung chủ yếu ở bậc mầm non với 124 phòng và bậc tiểu học với 66 phòng. Các địa phương xây dựng được nhiều phòng học mới là huyện Krông Nô: 63 phòng, Đắk Glong: 51 phòng và Tuy Đức: 24 phòng...

Cùng với đó, từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác, tỉnh cũng đầu tư trên 8,7 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa các công trình, hạng mục phụ trợ như: phòng thư viện, tường rào, sân trường, chống xuống cấp ở một số cơ sở giáo dục. Bằng các nguồn vốn từ Đề án nước sạch vệ sinh môi trường theo Nghị quyết số 19/2013 của HĐND tỉnh, ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 97 công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại các trường học.

Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư trên 31 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị trường học. Riêng ở bậc mầm non, để đảm bảo thực hiện thành công phổ cập cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, toàn tỉnh cũng đầu tư trên 9 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung thiết bị đầy đủ theo danh mục cho các trường mầm non.

Học sinh dân tộc và học sinh thuộc vùng 135 được cấp phát đầy đủ vở viết và sách giáo khoa với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng.  Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ ngay trong hè nhằm củng cố và cập nhật thêm những kiến thức về đổi mới phương pháp dạy học trong năm học mới.

Nguyễn Hiền thực hiện

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: năm học
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,931
  • Tháng hiện tại72,044
  • Tổng lượt truy cập41,252,645
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây