Ôm tiền, bỏ mặc dự án

Thứ sáu - 01/02/2013 00:41 1.163 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Nhiều nhà thầu ở Quảng Ngãi ứng trước hàng chục tỉ đồng ngân sách để thực hiện dự án nhưng “chạy làng” hoặc thi công èo uột

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi, năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án mà nhà thầu tạm ứng tổng cộng 42,6 tỉ đồng. Trong đó, có dự án khi nghiệm thu cho thấy đã thanh toán vượt khối lượng thi công thực tế 3,25 tỉ đồng. Chỉ tính tại 4 huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ, Tây Trà và Trà Bồng, có 8 nhà thầu nợ tạm ứng năm 2009 là 31,8 tỉ đồng, năm 2010: 46,4 tỉ đồng...

Nhà thầu bặt tăm

Ở huyện Ba Tơ, nhiều người dân đang bức xúc vì tuyến đường nối Ba Tơ - Ba Lế ngổn ngang, đất đá lởm chởm. Dù công trình đã thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiện đã bỏ dở.
 
Đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung ở huyện Tây Trà - Quảng Ngãi chậm tiến độ 7 tháng vì nhà thầu 
không thi công dù đã nhận tiền tạm ứng

Ông Lê Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Tơ, cho biết đây là dự án nằm trong gói thầu số 8, thuộc công trình đường Ba Tơ - Ba Lế, dự kiến hoàn thành tháng 12-2010 nhưng nhà thầu đã bỏ, không thi công. “Để công trình thi công nhanh, UBND huyện đã cho nhà thầu - Công ty Hưng Phát - ứng trước 4,24 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi ứng tiền, công ty này vẫn chây ì, bất chấp sự hối thúc của huyện” - ông Phương lo ngại.

Không riêng gì Ba Tơ, hàng loạt dự án ở Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà... cũng đã ứng hàng chục tỉ đồng nhưng nhà thầu vẫn bỏ mặc công trình. Huyện Tây Trà có 3 dự án, với số tiền nhà thầu tạm ứng là 21,4 tỉ đồng. Trong đó, đường Trà Phong - Trà Ka ứng trước 11,6 tỉ đồng, đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung: 9,59 tỉ đồng, Trường Phổ thông Trà Phong II: 215 triệu đồng. Đến nay, các dự án này chậm tiến độ từ 11 đến 13 tháng nhưng nhà thầu vẫn bặt tăm.

Tại huyện Sơn Hà, dự án đường Giá Gối - Mô Nít dù tạm ứng 2,9 tỉ đồng trong tổng vốn 5,5 tỉ đồng giá trị hợp đồng nhưng nhà thầu mới thực hiện được 27% rồi ngừng thi công. Huyện Trà Bồng có 2 dự án ứng trước 4,03 tỉ đồng là đường Trà Phú - Trà Giang và đường Trà Giang - Trà Thủy. Thế nhưng, dù 2 công trình này đã chậm tiến độ từ 13 đến 16 tháng nhưng hiện nhà thầu vẫn thi công cầm chừng...

Phải nhờ công an, tòa án

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết vì nhà thầu chây ì nên huyện đã xử phạt nhiều lần và yêu cầu hoàn tất công trình, trả lại tiền tạm ứng nhưng họ vẫn luôn né tránh. Do vậy, huyện đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xem xét xử lý nợ tạm ứng hơn 3,7 tỉ đồng của Công ty Hưng Phát và Xí nghiệp Thắng Lợi.

“Ứng vốn mà không thi công là có dấu hiệu vi phạm hình sự về việc lợi dụng uy tín chiếm đoạt tài sản. Do đó, không những yêu cầu xử lý nghiêm, thu hồi vốn cho ngân sách mà huyện còn đòi hỏi phải trả đúng giá trị công trình tại thời điểm trúng thầu. Ví dụ, với dự án Trường Mầm non Ba Tiêu, dù nhà thầu trả lại tiền tạm ứng 150 triệu đồng nhưng huyện không đồng ý. Bởi thời gian đó, số tiền trên làm được một phòng học thì giờ phải trả đúng giá làm phòng học ấy” - ông Phong phân tích.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: “Hiện gói thầu số 3 dự án đường Giá Gối - Mô Nít do Công ty Thiên Vũ thực hiện đã ngừng thi công. Thấy nhà thầu có dấu hiệu chiếm dụng vốn, huyện đã nhiều lần làm việc nhưng không có kết quả. Huyện đã khởi kiện ra tòa yêu cầu nhà thầu trả số tiền tạm ứng chưa thu hồi là 2,12 tỉ đồng, đồng thời bồi thường thiệt hại 2,5 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ theo vụ việc đến cùng”.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi, sở dĩ nguồn vốn đầu tư bị chiếm dụng là do năng lực nhà thầu quá yếu nhưng lại được giao nhiều công trình cùng thời điểm, dẫn đến dàn trải nguồn lực tài chính nên mất khả năng thực hiện gói thầu. Ông Trần Văn Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi, cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư cho tạm ứng nhiều vốn nhưng không yêu cầu bảo lãnh tín dụng, dẫn đến việc nhà thầu sử dụng số tiền này đi làm việc khác. Điều đó gây mất lòng tin và ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án, làm tăng tổng mức đầu tư, thất thoát vốn, không phát huy được hiệu quả của dự án.

Ông Nhân cho biết các huyện đã ứng vốn phải khắc phục triệt để trong năm 2013. Sở cũng sẽ không cho điều chỉnh giá bởi đây là lỗi của nhà thầu.

Bài và ảnh: TỬ TRỰC
Ý kiến bạn đọc

  • MINH TRÍ
    31/01/2013 21:06

    KHÔNG NÊN TẠM ỨNG HỢP ĐỒNG TRƯỚC CÁC DỰ ÁN CHƯA CÓ KHỐI LƯỢNG NHẰM CHỐNG THẤT THOÁT NGÂN SÁCH NN Theo quy định hiện nay việc tạm ứng theo hợp đồng giữa chủ đầu tư cho nhà thầu được thực hiện theo quy định hiện hành; tổng mức vốn tạm ứng của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xác định mức tạm ứng cho từng hợp đồng cụ thể, đảm bảo mức tạm ứng của cả dự án theo quy định nêu trên. Mức tạm ứng khống chế nêu trên là theo kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trường hợp dự án được điều chỉnh kế hoạch thì mức tạm ứng trên cơ sở kế hoạch điều chỉnh. Nếu mức vốn đã tạm ứng chưa thu hồi cao hơn 30% kế hoạch điều chỉnh, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi để đảm bảo tổng số dư vốn tạmứng tối đa là 30% kế hoạch vốn điều chỉnh của dự án. Như vậy theo quy định hiện nay thì khi hợp đồng được ký kết thì chủ đầu tư được quyền ứng trước cho đơn vị thi công mặc dù chưa có khối lượng nào , nếu giả sử có dự án giá trị 300 tỷ, năm đầu tiên bố trí trong kế hoạch 100 tỷ thì chủ đầu tư sau khi ký kết hợp đồng có thể ứng trước 90 tỷ đồng. Rõ ràng đây là con số không phải nhỏ nếu gặp đơn vị thi công có trách nhiệm thì không sao, nhưng gặp phải một đơn vị thi công đang nợ nần chồng chất, thiếu tinh thần trách nhiệm sau khi ứng tiền theo hợp đồng xong bỏ trốn, đây là sự thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước. Có trường hợp có nhiều dự án thời gian thi công kéo dài, nhà thầu đã thực hiện được một phần khối lượng, nhưng thời gian sau do tình hình trượt giá nguyên vật liệu, nhân công thấy không lãi tự động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm cho chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh lý hợp đồng và lựa chọn nhà thầu khác để hoàn thành phần khối lượng còn lại, do vậy đã kéo dài thời gian thi công và chậm đưa công trình hoàn thành vào sử dụng để sớm phát huy hiệu quả. Trong những năm qua do cơ chế được ứng trước, nên các địa phương qua báo cáo của ngành Kho bạc nhà nước, cuối năm số dư tạm ứng XDCB cho các đơn vị thi công quá nhiều, trong khi đó không có khối lượng thực hiện trong năm không đủ để thanh toán thu hồi tạm ứng, do vậy ngành tài chính các địa phương phải chuyển nhiệm vụ chi sang năm sau số dư tạm ứng XDCB chưa tất toán. Để chống thất thoát ngân sách nhà nước trong đầu tư XDCB do nhà thầu ứng trước bỏ chạy như đã xãy ra, khắc phục tình trạng chuyển nhiệm vụ chi xdcb sang năm sau số dư quá nhiều hiện nay ở các địa phương, nhất là đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, đề nghị Chính phủ quy định sau khi hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công, khi nào đơn vị thi công có khối lượng thực hiện thì chủ đầu tư mới được tạm ứng với giá trị tương xứng. Nhà thầu thi công là một đơn vị doanh nghiệp đương nhiên phải có vốn lưu động để hoạt đồng , nếu thiếu vốn trong quá trình thi công thì phải có trách nhiệm vay vốn ngân hàng, thực tế hiện nay các nhà thầu đều có các ngân hàng bảo lãnh theo quy định. Nếu thực hiện được các giải pháp trên hi vọng sẽ chống được thất thoát ngân sách nhà nước trong đầu tư XDCB. MINH TRÍ

 

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại75,071
  • Tổng lượt truy cập41,255,672
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây