Gói đề xuất có giá trị 500 triệu USD này bao gồm nhiều biện pháp nhằm kiểm tra lý lịch người mua súng, cấm vũ khí tấn công kiểu quân sự và băng đạn có sức chứa hơn 10 viên đạn - như loại được sử dụng trong vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook gây chấn động mới đây.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi tăng cường an toàn học đường, trong đó có biện pháp triển khai 1.000 cảnh sát tại các trường học và cải thiện việc chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ông Obama cũng sử dụng quyền hạn tổng thống của mình để ký ban hành 23 sắc lệnh nhằm hạn chế tình trạng bạo lực liên quan đến súng mà không cần có sự phê chuẩn của quốc hội. Một số biện pháp đáng chú ý là bắt buộc các cơ quan liên bang phải cung cấp dữ liệu cho hệ thống kiểm tra lý lịch liên bang, phát động chiến dịch kêu gọi người sở hữu súng an toàn và có trách nhiệm, ra lệnh cho Trung tâm kiểm soát dịch bệnh nghiên cứu về bạo lực liên quan đến súng…
Bên cạnh đó, ông Obama đã chỉ định ông Todd Jones làm giám đốc mới của Cục phòng chống Rượu, Thuốc lá, Súng đạn và Thuốc nổ, một vị trí để trống trong 6 năm qua, để phụ trách việc thực thi các luật súng liên bang.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành 23 sắc lệnh nhằm hạn chế
tình trạng bạo lực liên quan đến súng. Ảnh: AP
Dù vậy, ông Obama thừa nhận rằng chỉ có quốc hội, vốn đang bị chia rẽ, mới có thể thông qua những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự tái diễn của các vụ thảm sát bằng súng.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng trước sự chứng kiến của 4 em nhỏ từng viết thư gửi ông Obama sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook, nhà lãnh đạo Mỹ đã thúc giục quốc hội khẩn trương phê chuẩn các đề xuất ông đưa ra. Ông Obama nhấn mạnh: “Để tạo ra sự khác biệt thật sự và lâu dài, quốc hội cần phải sớm hành động…Chỉ cần có một điều chúng ta có thể làm để giảm tình trạng bạo lực hiện nay, chỉ cần có 1 sinh mạng được cứu sống thì chúng ta phải có nghĩa vụ phải cố gắng. Và tôi sẽ làm phần việc của mình”.
Phản ứng trước những đề xuất trên, ngay cả những nghị sĩ ủng hộ việc tăng cường kiểm soát súng cũng dự báo về một “trận chiến lâu dài” tại Đồi Capitol. Văn phòng nghị sĩ John Boehner, chủ tịch Hạ viện cho biết cơ quan này sẽ không vội trong việc xem xét gói đề xuất của ông Obama.
Trong khi đó, ông Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, thừa nhận ông không chắc liệu biện pháp cấm vũ khí tấn công có được Thượng viện hay không dù cơ hội đối với một số biện pháp khác là sáng sủa hơn, như việc tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng.
Lường trước những thách thức nói trên, Nhà Trắng tỏ ý cho biết ông Obama có thể phát động chiến dịch vận động sự ủng hộ của người dân đối với những đề xuất của mình. Một cuộc thăm dò mới nhất của hãng tin AP và công ty GfK cho thấy đa số người Mỹ muốn một lệnh cấm các vũ khí bắn nhanh kiểu quân đội và 84 % muốn thấy việc thiết lập một tiêu chuẩn liên bang cho việc kiểm tra lý lịch bất cứ ai muốn mua súng tại các hội chợ súng.