Quá trình phân xử - Ngày 22.1.2013: Philippines thông báo tiến hành vụ kiện Trung Quốc chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông theo Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Tòa trọng tài thường trực ghi nhận vụ kiện. - Ngày 27.8.2013: PCA yêu cầu Philippines nộp đơn khởi kiện và nước này đã nộp đơn ngày 30.3.2014. - Ngày 3.6.2014: PCA yêu cầu Trung Quốc nộp đơn phản biện vào ngày 15.12.2014, đồng thời cho biết đã nhận thư tuyên bố không chấp nhận vụ kiện từ Bắc Kinh. - Ngày 17.12.2014: PCA yêu cầu Philippines trình lập luận bằng văn bản làm rõ các vấn đề liên quan đến thẩm quyền xét xử của tòa và những điểm mấu chốt trong đơn. - Ngày 7 - 13.7.2015: Phiên tòa đầu tiên diễn ra tại trụ sở PCA ở The Hague (Hà Lan) với ban thẩm phán gồm 5 người. Đại diện nguyên đơn gồm Ngoại trưởng Philippines khi đó Albert del Rosario và nhóm luật sư quốc tế do ông Paul Reichler dẫn đầu. Phía Trung Quốc không gửi đại diện còn Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản được cử quan sát viên tham dự. Kết thúc phiên xét xử, PCA yêu cầu Philippines trình phúc đáp bằng văn bản đối với những câu hỏi bổ sung do các thẩm phán đưa ra. Dù Trung Quốc tuyên bố không tham gia, PCA vẫn cho nước này cơ hội đưa ra phản ứng bình luận bằng văn bản đối với lập luận của Philippines trước ngày 17.8. - Ngày 29.10.2015: PCA công bố quyết định là tòa có thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 kiến nghị của Philippines trong vụ kiện, đồng thời bảo lưu quyền đưa ra phán quyết về thẩm quyền xét xử đối với 8 kiến nghị còn lại, yêu cầu Philippines làm rõ thêm nội dung. - Ngày 24 - 30.11.2015: PCA tiến hành phiên xét xử lần hai. - Ngày 29.6.2016: PCA ra thông cáo sẽ đưa ra phán quyết cho vụ kiện vào ngày 12.7. - Ngày 12.7.2016: PCA công bố phán quyết cuối cùng. Trong ngày này, trang web liên quan đến vụ kiện thường xuyên trục trặc, rất khó khăn khi truy cập. Trước đó, tin tặc Trung Quốc từng bị nghi tấn công website PCA khi phiên tòa thứ nhất đang diễn ra. Văn Khoa(tổng hợp) |
Bước ngoặt cho UNCLOS Tương tự, chuyên gia Harry J.Kazianis thuộc Quỹ Potomac (Mỹ) nói: “Phán quyết cho thấy không có quốc gia hay cường quốc mới nổi nào cảm thấy hiện trạng không có lợi cho họ thì có thể thay đổi bản đồ hoặc tự tuyên bố đại dương và biển như lãnh thổ của họ. Phán quyết mở ra một lộ trình tiềm tàng tiếp tục khởi kiện Trung Quốc, khiến họ phải dừng mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng nếu Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết”. Tiến sĩ Satoru Nagao, chuyên gia của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản - giảng viên ngành an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản), cho rằng: “Việc đưa ra phán quyết là một tín hiệu tốt. Từ đó có thể hình thành nền tảng an ninh tập thể”. Về tác động của phán quyết đối với Trung Quốc, theo chuyên gia Kazianis, Bắc Kinh sẽ lên tiếng với nhiều kiểu tuyên bố lớn giọng khác nhau, nhưng cần có vài ngày để nghiên cứu kỹ càng phán quyết. Sau đó họ sẽ phản ứng theo vài cách, thông qua các chuyển động quân sự, lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, hoặc thậm chí thực hiện biện pháp cực đoan nhất là biến bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự. “Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng sau vài ngày nghiền ngẫm Trung Quốc sẽ lặng lẽ hướng tới một giải pháp thỏa hiệp mà mọi quốc gia quanh Biển Đông có thể chấp nhận được”, ông nói. Ông Ernest Z.Bower, Cố vấn cao cấp - Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng: “Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động, sử dụng tàu phi quân sự hay tàu chiến, để khẳng định yêu sách đường lưỡi bò thì chẳng khác nào thừa nhận đang chà đạp luật pháp quốc tế. Khi đó, Bắc Kinh sẽ càng bị mất đi tính hợp pháp trên các diễn đàn quốc tế. Đến lúc này, Trung Quốc phải tự xem xét để chọn trở thành kẻ đứng ngoài luật pháp quốc tế, hay thay đổi để có vị thế là một cường quốc trong khu vực. Họ phải tự đưa ra quyết định để dung hòa các lợi ích an ninh và kinh tế, chính trị...”. Đánh giá phán quyết của PCA là đòn giáng mạnh vào tuyên bố đường lưỡi bò, nhưng chuyên gia Zack Cooper tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) thì không kỳ vọng nhiều vào việc Bắc Kinh “hồi tâm chuyển ý” để có một tinh thần xây dựng hơn trong vấn đề Biển Đông. Ông lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục cố chấp và gia tăng các hoạt động gây căng thẳng, thậm chí có thể tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), siết chặt kiểm soát bãi cạn Scarborough, triển khai chiến đấu cơ và tên lửa đến quần đảo Trường Sa... Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã từ bỏ trách nhiệm thực thi luật pháp quốc tế. Tựu trung, Giáo sư James Holmes, thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, đưa ra 4 cách thức mà Trung Quốc có thể thực thi: 1. Thực hiện theo phán quyết; 2. Leo thang căng thẳng để cương quyết đạt được mục đích và thách thức luật pháp quốc tế; 3. Giảm thiểu hoạt động để nhằm tạm xoa dịu phản ứng của thế giới; 4. Thực hiện chính sách ngoại giao kết hợp những biện pháp đe dọa kiểu phi quân sự. Nhiều khả năng có thể Trung Quốc lựa chọn cách thứ 4, bởi họ thực hiện cách thức này suốt thời gian qua. Thanh Niên |
Khang Huy - Trường Sơn
Nguồn tin: Thanhnien