Ông Cui tuyên bố như trên sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan), bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông vì không có cơ sở pháp lý. Đây là lần đầu tiên một phán quyết quốc tế liên quan đến tranh chấp Biển Đông được đưa ra.
Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ), ông Cui nói rằng Trung Quốc vẫn muốn thương lượng với các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông.
Giải thích vì sao phán quyết Biển Đông lại làm gia tăng xung đột, đối đầu, nhà ngoại giao Trung Quốc bảo rằng vì nó "làm suy yếu động cơ của các nước trong việc tham gia đàm phán và bàn bạc để giải quyết tranh chấp".
Theo lời ông Cui thì chính chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực trong thời gian qua.
Công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Tư Nghĩa của Việt NamREUTERS |
Hãng tin Reuters ngày 12.7 đưa tin tại diễn đàn CSIS, đại sứ Cui cũng tuyên bố "Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo dòng chảy thương mại không bị cản trở và ngăn chặn bất kỳ âm mưu nào nhằm gây bất ổn trong khu vực (?)".
Trung Quốc cho đến nay vẫn tuyên bố
tẩy chay phán quyết. Trong khi đó các chuyên gia pháp lý và chính sách quốc tế cho rằng Trung Quốc tự cho cộng đồng quốc tế thấy nước này sẵn sàng vi phạm luật pháp quốc tế nếu cứ tiếp tục giọng điệu ngoan cố và thái độ phớt lờ phán quyết.
Kiều Oanh