Sau hơn 3 năm xem xét đơn kiện cùng 2 lần phân xử, ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại La Haye, Hà Lan đã ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” tại Biển Đông. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Quế, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ghi nhận những bình luận của bà về phán quyết này.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế. |
Bà nhận xét thế nào về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA ngày 12/7 vừa qua?
Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là một quyết định thắng lợi đối với Philippines và các bên liên quan trong vụ kiện Biển Đông. Đây là cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tiếp tục đấu tranh pháp lý để giành lại chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông, vùng biển có vị trí địa chiến lược quan trọng, một trong 11 con đường hàng hải huyết mạch trên thế giới.
Phán quyết khẳng định “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn, đường chữ U) không có giá trị pháp lý, vì vậy Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Chính quyết định này khiến Trung Quốc phải dè dặt và có tính toán kỹ càng hơn trong những động thái tiếp theo có liên quan tới Biển Đông.
Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định lập trường nhất quán về vụ kiện, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Dù phán quyết của PCA được coi là ràng buộc về mặt luật pháp nhưng không có bất kỳ cơ chế nào thực thi phán quyết. Vì vậy, vấn đề lớn nhất đặt ra lúc này là làm thế nào để Trung Quốc thực thi những phán quyết của PCA.
Việc Trung Quốc làm ngơ phán quyết của PCA ảnh hưởng thế nào tới vị thế và uy tín của quốc gia này với vai trò là một siêu cường mới nổi, thưa bà?
Năm 2015, GDP của Trung Quốc vượt ngưỡng 10 nghìn tỷ USD, duy trì vị trí nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, khẳng định vai trò của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường mới nổi.
Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc thường lợi dụng sức mạnh của một nước lớn để gây hấn với các nước nhỏ. Bắc Kinh đã từng tranh chấp lãnh thổ với tất cả 14 quốc gia láng giềng, trừ Pakistan. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, vẽ ra “đường 9 đoạn” yêu sách với hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Những hành động này sẽ khiến Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Sau phán quyết PCA về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng sẽ không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết của tòa án, dù nước này là một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) từ năm 1996.
Thậm chí, Bắc Kinh từng lớn tiếng khẳng định rằng họ không loại trừ khả năng rút khỏi UNCLOS nếu phán quyết của PCA “trái với nền tảng vị thế” của Bắc Kinh. Trên thực tế, việc cố tình “tảng lờ” phán quyết PCA khiến Trung Quốc có thể vấp phải những hệ lụy về mặt ngoại giao, tự phá hoại vị thế mà nước này đang theo đuổi để duy trì một trật tự có luật lệ, đặc biệt khi Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bà đánh giá vai trò của Mỹ như thế nào trong việc ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông? Theo bà, Mỹ có thể giúp giải quyết căng thẳng ở Biển Đông?
Mỹ có thể giúp cân bằng lực lượng ở Biển Đông khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và bành trướng ở vùng biển này. Tuy nhiên, Mỹ không thể can thiệp quá sâu vào vấn đề Biển Đông, trừ trường hợp xảy ra chiến tranh.
Mỹ luôn duy trì quan điểm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, con đường huyết mạch cho giao thương quốc tế, nơi Mỹ và các quốc gia khác đều có lợi ích kinh tế chung.
Quan điểm này thể hiện rõ qua những lần Mỹ điều máy bay và tàu chiến tới tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, cuối năm 2015, Nhà Trắng đã từng cam kết sẽ chi tổng cộng 259 triệu USD cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để đảm bảo an ninh hàng hải.
Có thể nói, Mỹ vẫn đang cố gắng duy trì thế cân bằng nhưng Washington sẽ không đối mặt trực tiếp với Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy vậy, Mỹ cũng kiềm chế Trung Quốc, không để Bắc Kinh tự hành động theo ý của họ.
Theo bà đánh giá, phán quyết PCA có tác động thế nào đến các nước ASEAN?
Các quốc gia ASEAN chịu ảnh hưởng khá lớn từ phán quyết của PCA, đặc biệt là các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Như đã nói ở trên, phán quyết này như “đòn giáng pháp lý” vào Trung Quốc, tạo cơ hội cho các quốc gia ASEAN tiếp tục đấu tranh pháp lý để giành lại chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông và tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
ASEAN từng cố gắng đạt được một giải pháp ngoại giao chung với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nhưng tới nay kết quả chưa như mong muốn.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, các nước Đông Nam Á có những phản ứng khác nhau. Philippines khẳng định cam kết tôn trọng phán quyết này, cho rằng đó là đóng góp thiết thực nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, Malaysia và Brunei do lo ngại sức ép kinh tế từ Trung Quốc nên đưa ra những phản ứng không dứt khoát dù các nước này cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Về phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam có câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Câu tục ngữ này thể hiện chính xác những gì ASEAN cần làm trong thời điểm hiện tại. Các quốc gia Đông Nam Á cần gạt bỏ những khác biệt và bất đồng để tìm được một lập trường chung về vụ kiện, tránh để ASEAN bị suy yếu trong khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Trước mắt, cần nhanh chóng thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đa phương hóa vấn đề Biển Đông có thể giải quyết được tình hình căng thẳng lúc này. Đó là nhân tố quan trọng giúp đảm bảo an ninh, ổn định cho khu vực.
Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn!
Nguồn tin: nguoiduatin