Chương trình tập huấn trên ruộng lúa giúp nông dân xã Đắk Ha (Đắk Glong) áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng |
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thì toàn tỉnh đã củng cố, xây dựng lực lượng khuyến nông viên cơ sở với 841 người, trong đó có 71 khuyến nông viên, 770 cộng tác viên khuyến nông tại các thôn, buôn, bon. Đây chính là đội ngũ nòng cốt trong hoạt động khuyến nông ở cơ sở, được giới thiệu, xem xét tuyển chọn khá kỹ nhằm phù hợp với điều kiện làm việc của mỗi địa phương.
Chị Trần Thị Huế, khuyến nông viên xã Đắk D’rô (Krông Nô) là một trong những khuyến nông viên năng nổ, nhiệt tình trong việc đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân. Với kinh nghiệm công tác hơn 25 năm cùng với chuyên ngành được học về trồng trọt, chị đã cùng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện triển khai các chương trình khuyến nông đạt nhiều kết quả.
Điển hình, chương trình đưa lúa lai, ngô lai vào sản xuất đã giúp nông dân nâng cao năng suất, tăng thu nhập vượt trội so với trước đó. Để chuyển giao kỹ thuật, đưa giống mới đến với nông dân, chị đã xuống từng cánh đồng, đến với hộ dân trực tiếp ngâm mạ, gieo sạ và cấy lúa cùng với bà con ở các vùng khó khăn như buôn Jang Trum, buôn 9, xã Đắk D’rô, buôn Ja Rá, buôn R’cập của xã Nâm Nung...
Chị Huế chia sẻ: Năng suất và hiệu quả kinh tế cây lúa lai, cây ngô lai tại các vùng giờ đã tăng hơn 40% so với cách làm cũ. Từ đó, nông dân rất tin tưởng mở rộng diện tích cho các vụ sau.
Không chỉ chuyển giao kỹ thuật đến với nông dân, các khuyến nông viên cơ sở còn trực tiếp thực hiện mô hình khảo nghiệm tại gia đình mình để người dân thấy, tin tưởng làm theo.
Anh Nguyễn Xuân Phúc, cộng tác viên khuyến nông bon Đắk Tiêng, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) qua các đợt đi tham quan và tập huấn về các mô hình chăn nuôi có hiệu quả do Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện tổ chức, nhận thấy mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả, phù hợp với điều kiện diện tích đất vườn các hộ dân trong bon, nhưng nhiều người chưa mạnh dạn nuôi. Vì vậy, anh Phúc bắt tay thực hiện mô hình nuôi gà dưới tán cây cà phê. Bình quân một năm, anh Phúc nuôi 6 - 7 lứa gà, mỗi lứa thả nuôi hơn 2.000 con, với giá gà giống từ 16.000 – 18.000 đồng/con.
Nói về mô hình, anh Phúc cho biết: “Trung bình mỗi năm, gia đình tôi cung cấp ra thị trường hơn 15 tấn gà thịt thu về hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, nhiều hộ dân trong xã đến học tập mô hình và bắt đầu nuôi thí điểm từ 300 – 500 con, bước đầu đã mang lại kết quả tốt”.
Đội ngũ khuyến nông viên ở cơ sở trong thời gian qua đã đồng hành cùng nông dân để chuyển đổi những giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên như chuyển vùng bấp bênh nước tưới sang trồng ngô lai, đưa lúa lai vào vùng khó khăn để nâng cao sản lượng, đến nay đã hình thành các vùng chuyên canh ngô lai, lúa lai có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, các khuyến nông viên còn năng động trong việc tư vấn kỹ thuật trong các chương trình thâm canh, tái canh cây cà phê, hồ tiêu, trồng cỏ nuôi bò và chương trình cải tạo đàn bò…
Có thể nói, việc kiện toàn mạng lưới khuyến nông viên cơ sở đã góp phần mang lại thành công trong quá trình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào cải tiến môi trường sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Phát huy kết quả đó, trong thời gian tới, ngành Khuyến nông tỉnh sẽ phấn đấu bồi dưỡng, đào tạo để mỗi khuyến nông viên ở cơ sở thực sự là một địa chỉ đồng hành của nhà nông trong việc tư vấn, hướng dẫn, dự báo, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về sản xuất, chăn nuôi...
Bài, ảnh: Văn Tâm
Nguồn tin: Báo Đăk Nông