Tham dự Hội thảo có nhiều nhà khoa học trong cả nước, các Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3 (Chương trình phát triển khoa học công nghệ, xã hội vùng Tây Nguyên), đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên…
Tại Hội thảo đã có 3 phiên thảo luận xoay quanh các vấn đề đặc thù đối với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, các vấn đề đặc thù về đô thị, nông thôn, liên kết vùng, thể chế vùng Tây Nguyên từ năm 1986 đến nay và các đề xuất giải pháp đặc thù phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Hội thảo cũng có 20 đề tài khoa học xã hội trong Chương trình của các nhà khoa học nêu lên các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường, quốc phòng và an ninh của Tây Nguyên được nhìn nhận và giải quyết theo tư duy mang tính tổng thể, dài hạn, có tính liên ngành cao. Các nhà khoa học, các nhà quản lý ở các Ban, Bộ, ngành Trung ương các tỉnh trong khu vực, nhất là các cơ quan trên địa bàn Tây Nguyên đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề, giá trị phát triển kinh tế, xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng chỉ ra những thành công cũng như những hạn chế của các chính sách phát triển ở Tây Nguyên thời gian qua để từ đó đưa ra được các quan điểm, giải pháp có tính chất định hướng, các giải pháp cụ thể mang đặc thù Tây Nguyên, dựa trên những giá trị phát triển, những đặc thù, thế mạnh của Tây Nguyên nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị tuyền thống của các dân t ộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên gắn với sức mạnh của cả nước để giúp cho vùng Tây Nguyên phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Tây Nguyên đã nhận được rất nhiều sự ưu tiên và quan tâm của Đảng, Nhà nước cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển tổng thể dành riêng cho vùng, với định hướng phát huy các nét đặc trừng phục vụ cho quá trình phát triển, khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên với những lợi thế phát triển hết sức đặc thù. Nhờ sự quan tâm đặc biệt đó nên sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Tây Nguyên trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng kể như: tốc độ phát triển kinh tế luôn duy trì ở mức cao, sản xuất nông nghiệp đã chuyển từ nền sản xuất quảng canh sang thâm canh, có giá trị xuất khẩu tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng cao… |
Nguồn tin: daknong.gov.vn