Giáo viên Trường mầm non Hoa Bưởi (Gia Nghĩa) luôn sử dụng đồ dùng dạy học để phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ |
NHỮNG CÁCH LÀM PHÙ HỢP
Khi triển khai Chương trình PCMN cho trẻ 5 tuổi, dựa trên điều kiện thực tế và các tiêu chí đề ra, các địa phương đã có những hình thức thực hiện phù hợp. Điển hình như huyện Tuy Đức, với đặc thù địa bàn rộng, phần lớn trẻ đi học xa nên đã chú trọng thực hiện việc bán trú.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các trường học đã phát huy nội lực, vận động cộng đồng cùng chung tay xây dựng. Nhờ thực hiện công khai, minh bạch và hợp lý, phụ huynh đã tích cực đóng góp cùng nhà trường xây dựng hệ thống bếp ăn một chiều.
Các vật dụng nhà bếp được mua sắm đầy đủ và bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Đến nay, 12 trường mầm non trên địa bàn đã thực hiện ăn bán trú. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi học bán trú đạt 100%; tỷ lệ trẻ đến trường chuyên cần đạt 100%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống chỉ còn 6%.
Còn huyện Krông Nô đã tập trung đầu tư nguồn lực khắc phục những khó khăn, hạn chế trong giáo dục bậc mầm non, nhất là việc xây dựng về cơ sở vật chất. Từ chỗ thiếu phòng học, đến nay, bậc mầm non đã có hệ thống trường lớp kiên cố và xóa được phòng học tạm, mượn.
Chỉ tính riêng bậc mầm non, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư trên 39 tỷ đồng xây dựng 77 phòng học và 3 phòng chức năng. Các trường học cũng kêu gọi xã hội hóa nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Nhờ đó đến nay, 13/13 trường mầm non đều đã có hệ thống sân vận động cho trẻ, cổng, tường rào, sân trường được bê tông sạch đẹp.
Từ chỗ được tập trung đầu tư nên đến nay, toàn huyện đã có 5/13 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Trường lớp được xây dựng khang trang đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa như Trường mầm non Sao Mai ở xã Quảng Phú, Trường mầm non Vàng Anh ở xã Nam Xuân...
Để sớm hoàn thành các mục tiêu về PCMN cho trẻ 5 tuổi, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Đắk Mil cũng chú trọng thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất cho bậc mầm non. Nhờ đó, Đắk Mil là huyện “về đích” đầu tiên trong việc thực hiện PCMN cho trẻ 5 tuổi.
Sân Trường mầm non Vàng Anh ở xã Nam Xuân (Krông Nô) được bê tông hóa, tạo điều kiện cho trẻ vui chơi, vận động thoải mái, sạch sẽ |
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐƯỢC NÂNG CAO
Với việc tích cực thực hiện Chương trình PCMN cho trẻ 5 tuổi và được đầu tư ở các lĩnh vực thực sự là “đòn bẩy” nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ một cách toàn diện.
Từ việc được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đã tạo điều kiện cho các địa phương từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường tích cực thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, đổi mới phương pháp dạy học nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện các mặt như nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội.
Từ đó, các tiết học được giáo viên chú trọng sử dụng đồ dùng dạy học, tăng cường vận động và phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ. Công tác chăm sóc trẻ được các nhà trường chú trọng thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 144 bếp ăn bán trú ở 105 trường học, tạo điều kiện cho gần 80% trẻ được ăn bán trú, trong đó trẻ 5 tuổi đạt trên 76%.
Theo bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn của Chương trình PCMN cho trẻ 5 tuổi về trẻ em, giáo viên và cơ sở vật chất, nhất là chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ đã có sự chuyển biến tích cực.
Theo đó, 71/71 xã đều đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt 97,8%, vượt tiêu chuẩn quy định 7,8%. 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, vượt tiêu chuẩn quy định đến 20%. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học chuyên cần đạt trên 96%, vượt tiêu chuẩn quy định 16%. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống chỉ còn 5,9%, thấp hơn so với tiêu chuẩn 4,1%. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 6,2%, thấp hơn so với tiêu chuẩn 3,8%. Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì và nâng cao hơn nữa những kết quả đã đạt được.
Từ năm 2011 đến nay, từ các nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh đã đầu tư trên 925 tỷ đồng cho bậc mầm non. Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh xây mới được 343 phòng học, nâng tổng số phòng học lên 1.028 phòng; trong đó có trên 94% là phòng học kiên cố và bán kiên cố. Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 85 trường mầm non thì đến nay đã tăng lên 107 trường; trong đó, công lập có 89 trường và ngoài công lập là 18 trường. Các địa phương còn đầu tư tập trung để xây dựng các trường chuẩn quốc gia, nâng số trường chuẩn lên 13 trường, tăng 9 trường so với năm 2011. | ||
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Đăk Nông