|
Các vận động viên người Ê đê ở xã Tâm Thắng (Chư Jút) thi môn bắn nỏ tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện |
Theo đó, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức các giải đấu, trò chơi dân gian truyền thống dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số như: hội thi thể thao các dân tộc thiểu số, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc từ cấp xã đến cấp tỉnh...
Thông qua các phong trào, không ít vận động viên dân tộc thiểu số có thể lực tốt, năng khiếu về TDTT đã được lựa chọn để luyện tập thể lực, học hỏi chuyên môn và tham dự các hội thi, hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc cũng như khu vực. Cùng với việc phát triển các bộ môn thể thao hiện đại thì các môn thể thao truyền thống của dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, bắn ná, điền kinh... cũng được khôi phục và thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, ủng hộ nhiệt tình.
Trong các ngày hội văn hóa thể thao dân tộc được tổ chức, đồng bào có dịp thi thố, thể hiện khả năng của mình, có thêm động lực để tiếp tục rèn luyện thể lực, chơi các môn thể thao truyền thống ngay tại các bon làng.
Song song đó, việc tuyên truyền, huy động sự đóng góp của những người có tâm huyết, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng các điểm luyện tập TDTT đơn giản cũng được đặc biệt quan tâm.
Đến nay, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia luyện tập TDTT đã tăng đáng kể. Đặc biệt, tuy điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc luyện tập TDTT còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng bào đã biết tận dụng các sân, bãi đất trống để cùng nhau luyện tập, vui chơi, rèn luyện thể lực. Chỉ cần vậy thôi, nhưng vào các buổi chiều, tại các sân bãi luôn thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia vui chơi cùng nhau, tạo không khí vui tươi ở các bon làng.
Điển hình như ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), sau một ngày lao động vất vả, thanh thiếu niên trong bon lại tập trung ở bãi đất trống để cùng nhau đá bóng, đánh bóng chuyền. Bạn Y Lem ở trong bon tâm sự: “Sau một ngày lao động, tôi với các bạn nam cùng trang lứa trong bon cùng nhau chơi đá bóng, còn các bạn nữ thì đánh bóng chuyền. Khoảnh khắc được vui đùa cùng trái bóng, chúng tôi cảm thấy thư thái và bao nhiêu mệt nhọc cũng tan biến”.
Theo ông Trần Văn Thinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì việc chú trọng phát triển TDTT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh nhà. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà công tác phát triển TDTT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Thông qua luyện tập thể dục, thể thao, đồng bào không những thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư.
Đặc biệt, lớp trẻ dân tộc thiểu số tránh xa được các tệ nạn xã hội, hướng đến cuộc sống lành mạnh, văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc phát triển phong trào TDTT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.
Cụ thể như cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ nhu cầu luyện tập của đồng bào còn thiếu, ý thức luyện tập của một số bộ phận người dân chưa cao. Vì vậy, việc tiếp tục vận động, tuyên truyền cũng như thúc đẩy xã hội hóa để phong trào TDTT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển là điều mà các cấp, các ngành cần quan tâm, chú trọng hơn nữa.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng