Tuyên truyền về doanh nghiệp cần chính xác và vừa phải
Administrator
2013-06-21T10:32:19-04:00
2013-06-21T10:32:19-04:00
https://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/Tin-tuc/Tuyen-truyen-ve-doanh-nghiep-can-chinh-xac-va-vua-phai-5031.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Trang thông tin điện tử Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút
https://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/uploads/favicon-touch.png
Trong đời sống xã hội nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng, hiện nay, bên cạnh mặt tích cực thì đôi khi từ những ngộ nhận hay lạm dụng của giới báo chí, hoạt động tuyên truyền của báo chí đã và đang gây ra một số tác động trái chiều cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả xã hội. Đó có thể là hiện tượng coi thường doanh nghiệp và bạn đọc khi bài báo đưa tin thiếu khách quan, thiếu chính xác và thiếu kiểm chứng do thiếu trách nhiệm hay nghiệp vụ yếu.
Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đối với doanh nghiệp là một vấn đề mà các cơ quan báo chí cần phải quan tâm để không ngừng nâng cao vai trò, uy tín của mình cũng như thực sự là “cầu nối” giữa cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Qua đó, thiết nghĩ, khi tuyên truyền về doanh nghiệp thì điều quan trọng nhất là các cơ quan báo chí ít nhất cần phải đảm bảo được 2 vấn đề: “chính xác và vừa phải”.
Thứ nhất, nói về vấn đề “chính xác”. Có thể nói, mục tiêu của báo chí không chỉ là cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp, báo chí giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thế nhưng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí đôi lúc cũng bộc lộ một số bất cập, dẫn đến việc thông tin chưa chuẩn xác, gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Vì vậy, các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng các thông tin liên quan đến doanh nghiêp, nhằm giảm thiểu những lạm dụng và yếu kém về nghiệp vụ, gây tổn hại đến uy tín báo chí, quyền lợi chính đáng của bạn đọc và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp cũng cần chú ý chủ động công tác thông tin cho báo chí, đồng thời tiếp thu và trả lời các thông tin báo chí, cũng như coi trọng sự hỗ trợ ngày càng to lớn của thông tin báo chí các loại.
Thứ hai, nói về vấn đề “Vừa phải”. Hoạt động của doanh nghiệp, của doanh nhân là đối tượng để báo chí phản ánh, là một trong những chủ đề lớn, có nội dung phong phú, thu hút sự quan tâm của công chúng thông qua báo chí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu được các cơ quan báo chí, nhà báo quan tâm, tuyên truyền cổ vũ để có thể quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu hay tìm kiếm những cơ hội làm ăn, hợp tác mới.
Thế nhưng, trong nền kinh tế thị trường, có rất nhiều vấn đề chủ quan lẫn khách quan tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp, doanh nhân một thời được báo chí vinh danh rầm rộ, nhưng không lâu sau đó lâm vào tình trạng phá sản, thậm chí chủ doanh nghiệp còn vướng vào vòng lao lý vì có những sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, việc thông tin hoạt động của doanh nghiệp của các cơ quan báo chí cũng cần ở mức độ vừa phải, tránh thổi phồng quá đáng, làm sai lệch thông tin, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng cũng như của ngay chính doanh nghiệp.
Tường Mạnh