|
đoàn nghệ nhân huyện Chư Jút thi diễn tấu cồng chiêng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh đắk Nông năm 2011 |
để tạo sân chơi lành mạnh cho người dân trên địa bàn, hàng năm, xã đều tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ như ngày hội văn hóa các dân tộc, tiếng hát tuổi thơ, liên hoan tiếng hát thanh thiếu niên...Hay như vào các dịp công nhận thôn, bon văn hóa thì chính quyền các cấp đều lồng ghép chương trình văn nghệ, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân nơi đây. Hiện xã đã thành lập được các câu lạc bộ (CLB) như: CLB đàn tính hát then của người Tày, CLB Mười nhớ hát quan họ Bắc Ninh, CLB thơ ca của người cao tuổi…
Một số thôn như thôn 7, thôn 9, thôn 12, thôn Trung Tâm…cũng đã thành lập được các đội văn nghệ dân gian, thu hút đông đảo người dân tham gia. Có điều kiện sinh hoạt, thể hiện những ca khúc, bài hát mình yêu thích là niềm vui giúp người dân càng thêm gắn bó với quê hương, cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Mỹ, thành viên CLB Mười Nhớ tâm sự: "Sau một ngày vất vả với việc nương rẫy, tham gia ca hát tại CLB tôi cảm thấy rất vui, tinh thần phấn chấn hẳn ra. Cuộc sống nông thôn còn thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng qua tham gia sinh hoạt tại các CLB là điều kiện để cuộc sống người dân thêm phần phong phú, vui tươi, gắn bó với nhau hơn".
Ông Phan Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho biết: "Người dân trên địa bàn xã rất yêu ca hát nên hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Cũng từ những sinh hoạt văn nghệ mà người dân trong xã sống đoàn kết hơn, biết giúp nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí văn hóa về xây dựng nông thôn mới".
Tương tự, ở các xã đắk Wil, Ea Pô, Trúc Sơn, Chư K’nia, Tâm Thắng… phong trào văn nghệ quần chúng cũng phát triển rất sôi nổi. Mỗi thôn, buôn trên địa bàn các xã đều có một CLB văn nghệ dân gian, thu hút đông đảo người dân tham gia. Không cần dàn nhạc, chỉ cần một cây đàn guitar, một khoảnh đất rộng là đủ làm "sân khấu" để bà con cùng nhau sinh hoạt văn nghệ, đàn hát vui vẻ.
Điều đáng mừng nữa là một số đồng bào dân tộc phía Bắc vào định cư lập nghiệp ở địa phương đã lâu, nhưng vẫn gìn giữ những lời ca, tiếng hát đặc sắc của dân tộc mình và luôn cố gắng hòa mình vào các phong trào, sự kiện mà địa phương tổ chức.
Những điệu hát then của đồng bào Tày; lượn của đồng bào Thái; sli của đồng bào Nùng; kể khan, hát aray của đồng bào Ê đê vẫn thưọng xuyên vang vọng ở khắp thôn xóm. Điều đó đã khiến cho phong trào văn nghệ quần chúng ở Chư Jút thêm phong phú, đa sắc màu.
Sau những ngày lao động vất vả, bà con lại quây quần bên nhau để cùng trao đổi, ôn luyện những lời ca, điệu múa của dân tộc mình. Những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như vậy, không những thắt chặt thêm tình đoàn kết láng giềng, mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân vùng nông thôn.
Ông Ngô Lãm, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Chư Jút cho biết: Phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Chư Jút luôn nhận được sự quan tâm và sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất. Người dân luôn sẵn sàng ủng hộ tiền của để xây dựng nhà văn hóa, duy trì hoạt động của các đội văn nghệ, câu lạc bộ...
Phong trào văn nghệ quần chúng đã trở thành món ăn tinh thần phong phú, không thể thiếu của người dân địa phương. Việc duy trì, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng rộng khắp có ý nghĩa rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của đảng, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy sản xuất, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con, góp phần xây dựng đọi sống ấm no, hạnh phúc.
Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng hơn nữa việc xây dựng các đội văn nghệ xung kích, bồi dưỡng những hạt nhân nòng cốt, thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng mạnh mẽ và thiết thực hơn.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng