Quà bản đồ “nhạy cảm” của Thủ tướng Merkel

Thứ bảy - 05/04/2014 09:04 807 0
Trong hai ngày 1 và 2-4, nhiều tờ báo uy tín trên thế giới như: Time, Foreign Policy (FP), The Sydney Morning Herald (SMH)... đã đăng tin bài phản ánh sự kiện ngày 28-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ sau tiệc chiêu đãi.

Thủ tướng Merkel bên tấm bản đồ quà tặng cho Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: Getty Images
 

Tấm bản đồ tên là China Proper (Trung Quốc đích thực), do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, dựa trên các cuộc khảo sát địa lý do các nhà truyền giáo Dòng Tên thực hiện trước đó, và được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735.

Điều đáng chú ý là trên tấm bản đồ này, các vùng Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương), Manchuria (Mãn Châu Lý) không thuộc lãnh thổ Trung Quốc, còn các đảo Hải Nam và Đài Loan được tô màu khác với màu của những vùng thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Tất nhiên, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không hề có trong bản đồ này.

Đây chính là nguyên nhân khiến báo chí phương Tây xôn xao bình luận về mục đích Thủ tướng Merkel tặng tấm bản đồ này cho Chủ tịch Tập Cận Bình.

Món quà gây khó xử

Trên tờ Time (1-4-2014) có bài viết “Có lẽ các nguyên thủ quốc gia không nên tặng bản đồ như một món quà”. Tờ SMH (2-4-2014) có viết “Cái đét từ tấm bản đồ Trung Quốc lịch sử của bà Angela Merkel”. Còn bài “Một Merkel, một tấm bản đồ, một thông điệp cho Trung Quốc” trên tờ FP (1-4-2014) thì cho đây là một “thông điệp” của thủ tướng Đức đối với chính sách về lãnh thổ của Trung Quốc hiện nay.

Cây bút Rachel Lu của FP bình luận: “Bản đồ lịch sử là một vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Mỗi một học sinh Trung Quốc đều phải học rằng Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) phải là những phần không thể tách rời của Trung Quốc”, nhưng tấm bản đồ của D’Anville lại phủ nhận điều này.

Tờ Time phản ánh lời một cư dân mạng người Trung Quốc phát biểu: “Chúng tôi luôn nói rằng những khu vực trên là một phần không thể tách rời của Trung Quốc từ thời cổ đại. Vậy mà bà Merkel lại nói với chúng tôi rằng thậm chí đến thế kỷ 18 những khu vực ấy vẫn không thuộc về Trung Quốc”.

FP còn dẫn lời một số cây bút người Trung Quốc phản ứng và bình luận về sự kiện này: “Một món quà quá khó xử” (Hoa Qian), “Bà Merkel đang cố gắng hợp pháp hóa những phong trào đòi độc lập ở Tây Tạng và Tân Cương” (Xiao Zheng), “Người Đức rõ ràng là đang có những cuộc vận động kín đáo” (Liu Kun).

Cố tình thay bản đồ

Theo Time, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc tránh đề cập về món quà. Tờ Nhân Dân Nhật Báo đưa tin rất tỉ mỉ về chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình nhưng đã bỏ qua sự kiện Thủ tướng Merkel tặng bản đồ.

Còn Tân Hoa xã và nhiều phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc (trừ tờ Tân Văn Trung Tâm) có đưa tin sự kiện bà Merkel tặng bản đồ nhưng đã không in hình tấm bản đồ xuất bản năm 1735 của D’Anville, mà thay bằng tấm bản đồ vẽ tay của nhà bản đồ học người Anh John Dower (xuất bản tại London năm 1844) với nhiều chi tiết có lợi cho Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng sai sót cố tình này đã được người đọc phát hiện nhưng không được truyền thông Trung Quốc ghi nhận hay đính chính, chứng tỏ họ cố tình làm như thế để “khắc phục hệ quả” từ tấm bản đồ của D’Anville.

Thật ra, tấm bản đồ China Proper của D’Anville không phải là phát hiện gì mới bởi trong các thế kỷ 16-19, các nhà bản đồ học và các nhà địa lý học châu Âu đã vẽ rất nhiều bản đồ Trung Quốc tương tự bản đồ của D’Anville.

Trong sưu tập bản đồ cổ mà chúng tôi sưu tầm trong đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” và sưu tập bản đồ do kỹ sư Trần Thắng sưu tầm và trao tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng có khoảng 20 tấm bản đồ tương tự, được vẽ trong các thế kỷ 18-19.

Vì thế, khi đọc được thông tin trên báo về món quà bản đồ cổ của thủ tướng Đức, Trần Thắng đã viết mail cho tôi: “Tấm bản đồ này cũng tương tự như sưu tập bản đồ chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa của chúng ta. Chúng ta có nhiều hơn rất nhiều, đã công bố rộng rãi trong nước và đưa lên Internet, nhưng mức độ phổ biến và hiệu ứng của công tác tuyên truyền này chưa nhiều. Vì thế cần phải quảng bá những tấm bản đồ chứng minh chủ quyền của chúng ta và bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc nhiều hơn nữa”.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

 

Nguồn tin: Tuoitreonline

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại55,005
  • Tổng lượt truy cập41,235,606
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây