Thủy quân lục chiến Mỹ tuần tra trên đường phố Iraq - Ảnh: Reuters |
Với nhan đề Đánh giá khả năng phòng ngự thông thường của Mỹ, báo cáo dự đoán mặc dù có nguồn ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, nhưng sức mạnh của quân đội nước này sẽ giảm sút trong năm nay và Washington sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải chiến đấu trong 2 cuộc chiến cùng lúc.
“Nhìn chung, chỉ số sức mạnh của quân đội Mỹ trong năm 2015 cho thấy lực lượng quân sự Mỹ hiện tại đủ khả năng ứng phó với một xung đột lớn trong khu vực, cũng như có thể hiện diện và tham dự vào các hoạt động khác tại nhiều nơi”, trang tin The Diplomat, có trụ sở tại Nhật, dẫn lời ông Dakota L.Wood, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của Heritage Foundation và từng phục vụ cho thủy quân lục chiến Mỹ trong 2 năm.
“Rõ ràng, đây cũng là những gì mà quân đội đang và đã làm trong suốt 2 thập kỷ qua, như lực lượng này sẽ gặp áp lực lớn nếu phải làm hơn thế và chắc chắn sẽ thiếu trang bị để có thể ứng phó đến 2 xung đột lớn (cùng lúc)”, chuyên gia Wood nhận định.
Theo báo cáo đánh giá của Heritage Foundation, lý do khiến Mỹ khó ứng phó cùng lúc 2 xung đột lớn là vì ngân sách bị cắt giảm.
Việc ngân sách cho quốc phòng cứ giảm đều và sự sụt giảm về quân lực sau đó đang tạo ra một áp lực vô cùng lớn lên quân đội Mỹ, báo cáo của Heritage Foundation cho hay.
Công tác bảo trì quan trọng đang bị ngưng trệ; theo đó, ngày càng có ít đơn vị (phần lớn thuộc Hải quân và Lực lượng Đặc Nhiệm) đang được luân phiên điều động thường xuyên và các trang thiết bị cũ đang được kéo dài thời gian sử dụng trong khi các thiết bị thay thế theo lịch trình lại gặp sự cố, theo Heritage Foundation.
Quân đội Mỹ đã phải hứng chịu tác động “cộng dồn” từ những yếu tố kể trên và hiện lực lượng này chỉ có thể đáp ứng phần nào những yêu cầu trong hoạt động bảo vệ các lợi ích quốc gia quan trọng của nước nhà, Heritage Foundation nhận xét.
Chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ - Ảnh: Reuters |
Trong báo cáo phân tích, Heritage Foundation đánh giá các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Mỹ theo khả năng chiến đấu trong 2 cuộc xung đột khu vực cùng một lúc. Sau đây là nhận định của Heritage Foundation:
- Lục quân bị đánh giá là “không đủ khả năng”. Heritage Foundation cho rằng Lục quân Mỹ là lực lượng yếu nhất về năng lực và quy mô, đồng thời tính sẵn sàng chiến đấu cũng khá thấp.
- Hải quân cũng bị xếp vào loại “không đủ khả năng”. Tính sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ khá cao, nhưng sẽ gặp vấn đề về năng lực trong tương lai, theo Heritage Foundation. Việc hoạt động bảo trì bị trì hoãn khiến tàu thuyền phải liên tục ở ngoài khơi và trong tương lai gần, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến năng lực triển khai tàu của Hải quân Mỹ.
- Không quân được đánh giá “mạnh”. Heritage Foundation cho biết Không quân Mỹ bay dày dặn kinh nghiệm vì bay rất nhiều. Tuy nhiên, máy bay Không quân Mỹ hiện đã cũ kỹ và các chương trình hiện đại hóa lực lượng này đang gặp nhiều rắc rối. Tuy nhiên, Heritage Foundation vẫn đánh giá cao năng lực và tính sẵn sàng chiến đấu của Không quân Mỹ và nhận xét đây là lực lượng mạnh nhất của quân đội Mỹ.
- Thủy quân lục chiến “không đủ khả năng”. Khả năng được Heritage Foundation xem là mạnh nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ chính là tính sẵn sàng tham chiến. Tuy nhiên, mặc dù có khả năng chiến đấu siêu hạng, nhưng Thủy quân lục chiến gặp phải bất lợi vì vẫn phải sử dụng trang thiết bị cũ kỹ, dự án thay thế các phương tiện di chuyển trên bộ then chốt gặp rắc rối và quy mô lực lượng đang bị thu hẹp.
- Lực lượng hạt nhân “không đủ khả năng”. Heritage Foundation cho rằng đơn vị này yếu kém ở khâu hiện đại hóa, thử nghiệm và đầu tư cho nhân tài. Hệ thống sản xuất vẫn tốt, nhưng số loại vũ khí rất hạn chế và khá cũ, trái ngược hoàn toàn với các chương trình phát triển vũ khí hùng hậu của các đối thủ cạnh tranh.
Bình luận về báo cáo của Heritage Foundation, The Diplomat cho rằng sức mạnh quân sự phải luôn được so sánh và phân tích trong điều kiện tương đối, chứ không phải tuyệt đối.
Ngoài ra, The Diplomat cũng cho rằng do thiếu các phân tích vững chắc về sức mạnh quân sự tương đối của quân đội Mỹ, nên báo cáo của Heritage Foundation trở nên kém thuyết phục và tác giả bản báo cáo có vẻ chỉ nhằm chỉ trích các chính sách quan liêu của Lầu Năm Góc.
Hoàng Uy
Nguồn tin: Thanhnien