Quặn lòng những phận già bị con bỏ rơi ngày Tết

Thứ tư - 06/02/2013 01:36 1.096 0
Tết là dịp để con cháu báo hiếu với cha mẹ. Vậy mà có những người lại bị chính những đứa con ruột đẩy ra đường hoặc bỏ mặc trong Viện dưỡng lão.

 

Đôi vợ chồng già phải mò cua bắt ốc sống qua ngày

Được mẹ ký giấy sang tên nhà, con trai trưởng đã đuổi mẹ 78 tuổi, quăng bàn thờ bố ra đường độc chiếm đất canh tác của gia đình (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Giữa chốn đông người, con trai còn lớn tiếng chửi mắng nhục mạ mẹ, gọi người bố đã chết là “thằng”!.

Mặc dù có tới 10 người con, mà bà cụ Châu Thị Ba cũng chẳng sung sướng hơn. Ngoài 80 tuổi vẫn phải ra sống ở vỉa hè trên đường Bời Lời (Tây Ninh). Người dân trong khu vực ai ai cũng xót xa cho hoàn cảnh của bà cụ, có người còn mang bà về nhà nuôi. Nhưng bà cũng chỉ ở vài ngày và điểm đến cuối cùng vẫn là lề đường, góc chợ. Trong khi những người con "trời đánh" của cụ vẫn ung dung sống trong những ngôi nhà khang trang. Thậm chí, khi được hỏi lý do vì sao lại để mẹ mình lang thang nơi đầu đường, một trong mười người con của cụ trả lời trắng trợn: “Mẹ già nên khó ngủ, thức đêm hay la hoảng, mỗi đêm đi tiểu năm, sáu lần, mỗi lần đi lại kêu, đập cửa… Mang bà về nuôi, đêm rất khó ngủ mà hôm sau còn phải đi làm. Dần dần ai cũng sợ, cũng ngại”!. 

Dư luận cũng chưa quên cặp vợ chồng già Văn Quý và Nguyễn Thị Chén trú tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội có tới bảy người con nhưng lúc cuối đời lại phải dọn ra đình làng ở, bắt tôm bắt cá để sống cho qua ngày. Hay trường hợp cụ ông 87 tuổi ốm nặng bị con cái tàn nhẫn vứt ra vỉa hè phố Núi Trúc cách đây không lâu.
Mỗi ngày trên mặt báo, những tin tức về con cái ngược đãi cha mẹ già như vậy xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều. Cả đời dồn hết tình yêu thương, "vốn liếng" cho con cái chỉ mong sao cho các con "bằng người". Nhưng than ôi cái cách báo hiếu mà các con – vốn là “của để dành” của các cụ - dành cho bậc sinh thành thì quả thật là nhẫn tâm. Thậm chí là sự độc ác.
 
Trong khi đó, ở viện dưỡng lão Thiên Đức, trái ngược với suy nghĩ đếm tùng ngày để mong tết đến sum họp cùng gia đình thì mỗi khi nhắc đến hai chữ “gia đình”, giọng các cụ lại trầm xuống, cụ thì bật khóc như một đứa trẻ. Có cụ sinh được tới 9 người con mà 90 tuổi vẫn lọ mọ một mình trong căn hộ tập thể tận tầng 4, hàng ngày lần từng bậc thang xuống chợ mua thức ăn. Đến lúc chân tay cụ yếu dần, mắt mờ hẳn đi, mấy lần suýt ngã ở cầu thang thì những đứa con lại hò nhau góp tiền “tống” cụ vào viện dưỡng lão.

 

 

 

Khi nhắc đến hai chữ "gia đình" nhiều cụ ngân ngấn nước mắt

Nhìn những đôi mắt mờ đục, những mái tóc bạc phơ cả đời lặn lội nuôi con, nay cứ đờ đẫn dõi theo từng bóng người vào cổng viện dưỡng lão để tìm bóng dáng con cháu mà quặn lòng. Nhiều người già còn chút minh mẫn đã không giấu được những giọt nước mắt hờn tủi. Mỗi khi hỏi về cuộc sống trước khi vào viện dưỡng lão thì cụ lại thay đổi sắc mặt, rồi òa khóc nức nở như một đứa trẻ dỗi hờn.
 
Có cụ vào trung tâm đã 5, 7 năm nay mà chưa từng gặp lại con. Con cháu chỉ đưa cụ đến rồi đóng tiền vào tài khoản để trung tâm chăm sóc các cụ. Từ đó không còn thấy họ xuất hiện nữa.

Vẫn biết đó là quy luật tất yếu nhưng sao thấy chạnh lòng xót xa! Rồi sẽ đến lúc ta trở thành gánh nặng của các con ta. "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày"...

Ấy vậy mà GS Chu Hảo lại không quá ngạc nhiên trước những trường hợp con đuổi bố mẹ ra đường, con cái bỏ mặc bố mẹ già trong viện dưỡng lão. Vị giáo sư cho rằng sự vô cảm ấy bắt nguồn từ nền tảng đạo đức của xã hội và từng cá nhân. GS Chu Hảo nói: Việc lên án những đứa con bất hiếu ấy không có giá trị gì nhiều. Bởi nhiều khi con người ấy có thể chỉ là một nạn nhân, là sản phẩm của xã hội này. Chúng ta phải nghĩ tại sao lại dẫn tới tình trạng thê thảm đến thế?

Theo GĐXH
 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại74,596
  • Tổng lượt truy cập41,255,197
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây