Quảng Ninh từ chối vay 7.000 tỷ: Lo ngại nhà thầu TQ

Thứ hai - 08/08/2016 22:36 749 0
"Để vay 300 triệu USD nếu phía TQ đưa ra các điều kiện về nhà thầu của TQ hay điều này điều kia thì rất khó khăn".

Đó là một trong những lý do Quảng Ninh từ chối gần 7000 tỷ đồng ODA từ Trung Quốc để làm dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Nhà thầu trong nước đủ năng lực

Trao đổi cụ thể với báo chí, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã nói rõ: "Thứ nhất, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, con đường này phải hoàn thành trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2020.

Tất cả đường cao tốc từ Hà Nội đi Hải Phòng, nối ra đến Quảng Ninh hết năm 2017 sẽ xong. Còn lại đoạn từ Vân Đồn - Móng Cái phải tập trung đầu tư để sớm hoàn thành đồng bộ kết nối toàn bộ tuyến cao tốc này với cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Thứ hai, con đường cao tốc này đi qua Vân Đồn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một đặc khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai. Hiện nay, Quảng Ninh đang đề nghị Trung ương sớm công nhận Vân Đồn là khu kinh tế đặc biệt.

Trong khu kinh tế Vân Đồn, cảng hàng không đang được đầu tư và Quảng Ninh cũng đang chờ Chính phủ cho phép đầu tư khu phức tạp có casino ở Vân Đồn. Do vậy, con đường này có tầm quan trọng rất lớn và hiện nay cần đẩy nhanh tiến độ triển khai".

Bên cạnh đó, theo ông Long, hiện nay có một số nhà đầu tư trong nước đã quan tâm đến việc đầu tư con đường này. Các nhà đầu tư đã đến báo cáo và tỉnh đang xem xét. Các nhà đầu tư đưa ra phương án cho thấy con đường này hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư.

Quang Ninh tu choi vay 7.000 ty: Lo ngai nha thau TQ

Thi công cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, một đoạn tuyến trong toàn tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái.

Ngân sách chỉ cần bỏ ra một khoản vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng và một số việc khác. Còn nhà đầu tư sẽ đầu tư con đường 4 làn xe.

Chính từ bài toán kinh tế này, ông Long nhấn mạnh: "Chúng tôi đang hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án, khả năng huy động với tỷ lệ 70-30, tức nhà đầu tư bỏ ra 70% vốn, còn ngân sách bỏ ra 30%. Tính khả thi của dự án là rất cao.

Trước đây, trong quan hệ Chính phủ 2 nước, có đặt vấn đề vay 300 triệu USD cho cao tốc Vân Đồn - Móng Cái bằng nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư con đường này dự kiến là 16 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 800 triệu USD. Như vậy có vay 300 triệu USD cũng không đủ để đầu tư.

Ngoài ra, để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn. Trong khi các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm con đường này.

Cho nên, tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa để tỉnh tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư cho dự án. Thẩm quyền này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Ninh trước đây".

Tỉnh sẽ kêu gọi nguồn vốn BOT cho dự án này

Trước đó, hồi đầu năm Quảng Ninh đã đồng ý giao thẩm quyền đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cho Bộ GTVT, nhưng hiện tại thì lại muốn được trao thẩm quyền đầu tư dự án này.

Giải thích về chuyện này, ông Long nói: "Lúc đó chúng ta đi theo hướng vay Trung Quốc để đầu tư dự án. Sau khi Chính phủ hai nước thống nhất với nhau là có khoản vay 300 triệu USD thì Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó đã đề nghị Thủ tướng giao quyết định đầu tư dự án bằng nguồn vốn ODA này về cho Bộ.

Anh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó đã đề nghị như thế. Khi ấy về phía tỉnh đã có văn bản ủng hộ.

Nhưng gần đây, quá trình làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay có nhà đầu tư trong nước có thể làm được, cho nên Quảng Ninh cũng đã thống nhất với Bộ trưởng Nghĩa là sẽ kêu gọi nguồn vốn BOT cho dự án này".

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, vay tiền của Trung Quốc thì không nên vì họ luôn đưa ra những điều kiện bất lợi cho phía Việt Nam. Đặc biệt, khi triển khai dự án đem lại rất nhiều hệ lụy như giá thành cao, chất lượng kém, đội vốn lớn. Cho nên Trung Quốc thì chúng ta không nên vay.

Quảng Ninh có thể huy động phương án công – tư hay đầu tư theo hình thức BOT nhưng như vậy thời gian sẽ kéo dài.

"Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét thận trọng. Nếu nhu cầu vốn không có và điều kiện không thuận lợi thì thôi, chúng ta tạm dừng dự án để lùi đến một thời điểm khác khi đã tìm được nguồn vốn phù hợp”, ông Long nhấn mạnh.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn tin: baodatviet

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,705
  • Tháng hiện tại65,204
  • Tổng lượt truy cập41,349,404
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây