Thông tư mới bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7.3.2013.
Chưa làm xong thủ tục nhập học CĐ, ĐH vẫn nhập ngũ
Theo quy định mới, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ khi đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy tập trung. Trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
|
Theo quy định trước đây, thí sinh nhận giấy báo nhập học ĐH, CĐ báo cáo với ban chỉ huy quân sự trước 10 ngày so với thời điểm giao nhận quân; thí sinh nhận giấy báo nhập học trung cấp, CĐ nghề báo cáo chậm nhất sau 3 ngày nhận được lệnh gọi nhập ngũ được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Các đối tượng khác thuộc trường hợp được hoãn gồm: Học viên đang học tập trung theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS hoặc THPT tại các cơ sở giáo dục; Công dân du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo 12 tháng trở lên.
Các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy tập trung gồm: trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị ĐH; Trường TCCN, trung cấp nghề, CĐ nghề; Các trường CĐ, ĐH; Học viện, viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương; Các trường của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
Được bảo lưu kết quả trúng tuyển
Những công dân không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là người đang theo học khóa đào tạo tập trung đầu tiên nhưng bỏ học để chuyển sang học khóa đào tạo của trường khác.
Cũng theo quy định, đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ là công dân có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ và học viên là hạ sĩ quan, binh sĩ đang học tập tại các trường quân đội, trường ngoài quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
Điểm mới khác là thí sinh phải mang theo giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự do ban chỉ huy quân sự huyện cấp, giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do ban chỉ huy quân sự xã nơi cư trú cấp khi đến trường làm thủ tục nhập học. Công dân đã nhập ngũ vào quân đội, nếu có giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ ĐH, CĐ, TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Trường hợp nào sẽ tổng động viên? Tại mục 6, điều 103 Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền ra Lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”. Như vậy, Lệnh tổng động viên là lệnh của người đứng đầu nhà nước (Chủ tịch nước) ban bố tình trạng khẩn cấp (thiên tai địch họa, chiến tranh hoặc nguy cơ chiến tranh) và động viên mọi lực lượng gồm nhân lực, tài lực, vật lực... để phục vụ đất nước trong những tình hình đó. Lệnh tổng động viên có ý nghĩa quan trọng kịp thời huy động mọi khả năng và sức mạnh của toàn dân để bảo vệ Tổ quốc. Từ sau năm 1975 đến nay, nước ta đã có một lần ban bố Lệnh tổng động viên, đó là Lệnh tổng động viên số 29-LCT ngày 5.3.1979 do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký. Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nghĩa vụ quân sự được ban hành ngày 14.6.2005 thì công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 đến hết 25 tuổi. Hải Nam |
Hà Ánh (Tổng hợp)
Nguồn tin: Thanhnien