Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24.5 về tình hình căng thẳng trên biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Chủ trương của chúng ta là sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế. Nếu Trung Quốc không có động thái xuống thang, rút bỏ giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam thì chúng ta sẽ tiến hành biện pháp mạnh hơn. Chúng ta đang củng cố hồ sơ, chứng cứ để làm cơ sở khởi kiện ra tòa án quốc tế”.
Tức là trong các phương án có tính đến việc kiện ra tòa quốc tế?
Chính phủ đang chuẩn bị các hồ sơ, chứng lý và sẵn sàng.
Việc khởi kiện liệu có gặp khó khăn?
Sẽ có những khó khăn nhưng tôi chắc chắn đất nước ta đã thực hiện quyền quản lý của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa từ ngàn xưa. Cha ông ta đã có những đội lính Trường Sa từ ngày đó. Ngoài ra, mới đây cũng vừa có thêm một quyển Atlas của nước ngoài đưa về càng khẳng định thêm chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này. Nhưng quan trọng nhất, tôi nghĩ là tinh thần đoàn kết của người dân, triệu triệu người như một. Đó mới là sức mạnh lớn nhất của chúng ta để đứng xung quanh mỗi hòn đảo để bảo vệ chủ quyền. Khi triệu người như một thì sức mạnh đó không thế lực nào địch được.
|
Bản thân ông có niềm tin thế nào vào việc khởi kiện?
Tôi tin vào chính nghĩa của chúng ta và với hồ sơ chứng cứ đang chuẩn bị, tôi tin chúng ta đủ cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình.
Qua thảo luận về tình hình biển Đông, nhiều đại biểu cũng kiến ghị phải củng cố, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng để sẵn sàng bảo vệ biển đảo, quan điểm của ông?
Đất nước nào chẳng thế, như ta liên tục hết bị nước này đến nước kia đe dọa xâm lược thì chúng ta phải sẵn sàng tinh thần tự vệ. Chúng ta không đi xâm chiếm, không đi đánh nước nào mà chỉ tự vệ thôi. Chúng ta là một đất nước ngàn năm văn hiến, yêu chuộng hòa bình như thế, luôn phải chống trả giặc ngoại xâm nên ý thức hơn hết về hòa bình, về tự vệ.
Việt Nam đã nhiều lần tìm cách tiếp xúc để trao đổi vấn đề nhưng Trung Quốc bất hợp tác, vậy chúng ta có thể giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình như thế nào?
Tôi cho rằng rồi cũng đến lúc chúng ta phải thay đổi phương thức vì nói với anh mãi mà anh không chịu gặp thì thế giới người ta sẽ nói thế nào, một đất nước tự nhận là đứng thứ 2 thế giới mà giữ quan điểm như thế thì chính Trung Quốc cũng phải nghĩ lại về việc sẽ bị cô lập, tự mình đánh mất mình về uy tín.
Chúng ta đã nhẫn nhịn nhưng liệu được đến bao giờ, sự kiên nhẫn vốn có giới hạn?
Tôi nghĩ đất nước mình có 4000 năm lịch sử thì phải kiên nhẫn. Đã vì hòa bình và độc lập thì ta phải kiên nhẫn, phải bằng biện pháp hòa bình để đấu tranh, giải quyết vấn đề, không có cách nào khác được.
Dư luận hiện đang lo lắng nếu những vụ đâm va của tàu Trung Quốc vừa qua mới chỉ gây hư hỏng tàu thuyền của lực lượng chấp pháp, ngư dân ở mức độ phải dừng hoạt động, kéo đi sửa chữa. Nhưng làm sao để tránh nếu phía Trung Quốc hành động thô bạo gia tăng hơn, đâm chìm tàu, có thể gây thiệt hại cả về tính mạng cho dân ta?
Đây mới chỉ là phỏng đoán. Còn chúng ta tùy theo diễn biến tình hình để có hướng xử lý cho đúng với tình hình. Đó là sự khôn khéo của chúng ta, không thể nóng vội trong việc này.
Thái Sơn
Nguồn tin: Thanhnien