Bà Clinton, 65 tuổi, rời nhiệm sở sau 4 năm, đã đi thăm 112 quốc gia với quãng đường bay xấp xỉ 1 triệu dặm, trở thành ngoại trưởng công du nhiều nước nhất thế giới. Bà sẽ được thay thế bởi John Kerry, thượng nghị sĩ bang Massachusetts, người đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ hôm thứ sáu vừa qua. Cựu đệ nhất phu nhân hiện đang được bàn luận, đồn đoán như một ứng viên khả dĩ cho cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống năm 2016.
Bà Clinton cho rằng việc lãnh đạo bộ ngoại giao với tư cách ngoại trưởng Mỹ thứ 67 là một trải nghiệm “độc đáo, phi thường, lý thú và nhiều thử thách”. Bà thừa nhận vụ tấn công vào tòa đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ - một lời nhắc nhở nghiêm túc về những mối de dọa hằng ngày trên toàn cầu - sẽ thách thức người kế nhiệm bà.
Bà Clinton chuẩn bị phát biểu chia tay. Ảnh: Zimbio
Nữ ngoại trưởng nhấn mạnh Mỹ vẫn là "đất nước không thể thiếu" trong những sự kiện trọng đại. Ảnh: Zimbio
“Tôi rất tự hào về công việc chúng ta đã cùng gánh vác với nhau. Tất nhiên, chúng ta sống trong những thời kỳ rất rắc rối và hiểm nguy, như chúng ta một lần nữa, ngay hôm nay, đã nhìn thấy tòa đại sứ của chúng ta ở Ankara bị tấn công” - bà nói với các nhân viên. Nhưng bà lại tỏ cho thấy bà lạc quan hơn vào lúc này so với giai đoạn sau khi bà nhậm chức năm 2009.
Hành trình 4 năm của bà Clinton. Nguồn: France 24
Trước đó, trong ngày 1-2, bà Clinton đã chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống Barack Obama, cựu đối thủ rất đáng gờm của bà trong cuộc chạy đua năm 2008 giành sự chỉ định của Đảng Dân chủ để bước vào đường đua với John McCain.
Trong đơn, bà nêu rõ hơn bao giờ hết, bà tin sức mạnh của nước Mỹ với tư cách một siêu cường lãnh đạo toàn cầu. Bà ít nói về khả năng chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới với lý do không có kế hoạch cụ thể cho tương lai nhưng bà “chắc chắn” vẫn dự định tạo nên sự khác biệt đối với những vấn đề bà quan tâm.
Bà nói với hãng tin AP: “Tôi sẽ là ngoại trưởng cho tới phút cuối khi tôi bước ra khỏi cánh cửa (Bộ Ngoại giao). Và rồi tôi sẽ nghỉ ngơi cuối tuần, có thể bắt đầu nghĩ về tất cả những lời mời, những yêu cầu hay những ý tưởng khác nhau”.
"Ngôi sao nhạc rock của ngành ngoại giao" rất được trông chờ sẽ ứng cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: CBS
Bài nói chuyện chia tay của bà Clinton cũng đã phác thảo tầm nhìn ngoại giao rộng lớn cho tương lai nước Mỹ và thúc giục việc sử dụng “quyền lực thông minh” cùng những giải pháp “sáng tạo” khi đất nước đang trải qua những giai đoạn không chắc chắn.
Nhà ngoại giao lừng danh không giấu sự tự tin với đài CBS News: “Chúng ta thật sự là đất nước không thể thiếu được. Đây không phải là lời khoác lác hay một khẩu hiệu trống rỗng. Nó là sự thừa nhận vai trò và trách nhiệm của chúng ta. Đó là lý do nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo trong thế kỷ này, ngay cả khi chúng ta chèo lái bằng những đường lối mới; và đó còn là lý do những người tiên đoán sự suy tàn của nước Mỹ đã phạm sai lầm chết người”.
Bài phát biểu chia tay của bà Clinton. Nguồn: Telegraph