Nếu TPP được ký kết, các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam hay Malaysia sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường lớn như Nhật Bản và Mỹ - Ảnh minh họa: Reuters |
Hôm 24.6, Quốc hội Mỹ thông qua việc
trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama. Đây là bước ngoặt quan trọng cho thấy các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp đi đến giai đoạn quyết định.
TPP có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 13% vào năm 2025, với Malaysia là 6% GDP, tạp chí Barron's (Mỹ) ngày 24.6 trích dẫn nghiên cứu do tiến sĩ Frederic Neumann của tập đoàn tài chính HSBC cho hay.
Ông lập luận rằng các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam hay Malaysia sẽ được lợi vì có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như Nhật Bản và Mỹ.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ hưởng lợi từ TPP vì nó sẽ tạo động lực cho ngành dịch vụ tại đây, tăng tốc việc cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo
Barron's, TPP lại khiến Trung Quốc
lo ngại, và Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh việc ký các hiệp định thương mại tự do với các nước châu Á - Thái Bình Dương để cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc trong tháng này đã ký một hiệp định tự do thương mại với Úc. Cuối tháng 11.2014, Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc, theo
Barron's.
Đạt được TPP với 11 nước châu Á - Thái Bình Dương (gồm Canada, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei) là một trong những mục tiêu mà ông Obama mong muốn thực hiện trong thời gian nhiệm kỳ tổng thống còn lại của mình. Nếu được ký kết, TPP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu.
Nhật Đăng