Theo Thủ tướng, trong suốt 2 tháng qua, Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý quốc tế, bất chấp thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về nguyên tắc ứng xử trên biển Đông (COC), bất chấp thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về mối quan hệ hòa bình, hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc, đã ngang nhiên sử dụng hơn 100 tàu các loại, dùng cả tàu quân sự, máy bay hộ tống để đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Hành động trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo công ước Luật Biển 1982 của LHQ mà Trung Quốc là thành viên; đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông.
Thủ tướng khẳng định, việc xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc làm cả dân tộc ta phẫn nộ, lên án. Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng với chứng lý, lẽ phải của mình; kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu thuyền ra khỏi vùng biển nước ta.
Cùng với đó, ta cũng làm hết sức mình để giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Chúng ta phải có mặt ở vùng biển chủ quyền để khẳng định chủ quyền của mình. Hai tháng qua, Trung Quốc đã sử dụng những hành vi dã man như dùng vòi rồng công suất lớn bắn thắng vào tàu ta; đâm thẳng vào tàu cá làm ngư dân ta rơi xuống biển rồi bỏ đi. Đến nay, đã có 90 lượt tàu của ta bị tàu Trung Quốc đâm, làm 15 cán bộ cảnh sát, kiểm ngư, ngư dân bị thương. “Chúng ta cố hết sức để tránh đụng độ, va chạm. Việc làm của ta được bạn bè quốc tế đánh giá cao” – Thủ tướng nói.
Không khuất phục trước bất cứ sự đe doạ nào
Theo Thủ tướng, liên tục trong hơn 2 tháng qua, có tới hơn 30 cuộc giao thiệp ngoại giao giữa ta với Trung Quốc. Trong các cuộc này, ta đều bày tỏ quan điểm thắng thắn, rõ ràng về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền VN, vi phạm Công ước quốc tế và Luật Biển 1982; vi phạm cam kết Trung quốc – ASEAN, vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước, xâm phạm chủ quyền VN; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu thuyền ra khỏi vùng biển của ta. Ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình. Việt Nam sẵn sàng ngồi đàm phán hòa bình về mọi tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế.
Thủ tướng khẳng định: Chúng ta cũng công khai thông báo đến cộng đồng quốc tế, LHQ, ASEAN về tất cả các hành vi sai phạm của Trung Quốc bằng các hình ảnh, tài liệu một cách đầy đủ, khách quan; tỏ rõ lập trường của ta bằng các biện pháp kêu gọi quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của nước ta – chính nghĩa về chủ quyền của ta đúng luật pháp quốc tế (theo Công ước Luật Biển 1982). Thủ tướng cho biết, đến nay chưa có nước nào trên thế giới công nhận chủ quyền "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng của ta cũng đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.
Thủ tướng khẳng định, ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng các hoạt động kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường trên cơ sở quan hệ thị trường, hai bên cùng có lợi. “Tuy nhiên, các ngành, các địa phương cũng đều có phương án ứng phó nếu Trung Quốc gây khó khăn, để ta không bị thiệt hại” – Thủ tướng nhắc nhở.
“Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Việt Nam ta đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc xâm lược của ngoại bang. Chúng ta mong muốn làm hết sức mình để có hòa bình với Trung Quốc và các quốc gia để phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân. Nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo vệ được độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” – Thủ tướng nói.
“Vì vậy, chúng ta kiên quyết nhất định không chấp nhận, không khuất phục trước sự đe dọa, áp đặt hay sự thu phục, lệ thuộc nào” – Thủ tướng nhấn mạnh.