PC50 Công an Hà Nội vừa mới đây đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối tượng là Nguyễn Tuấn Anh (sinh 1985) - Trưởng phòng Kinh doanh của Cty cổ phần IMMC (số 28 ngõ 139 đường Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì đã dùng “Chợ nội dung số mmoney.vn” của IMMC làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các thuê bao di động.

Tuấn Anh cùng với đồng bọn đã lập ra “Chợ nội dung số mmoney.vn” với trên 300 ứng dụng, trong đó hầu hết là những ứng dụng có nội dung gồm hình ảnh tươi mát, video clip người mẫu, chân dài nóng bỏng.v.v…để câu người truy cập vào. Tuy nhiên, bất cứ người dùng ĐTDĐ nào tò mò truy cập vào xem hoặc tải nội dung về đều bị “dính đòn” bởi những lệnh/phần mềm ẩn trong ứng dụng đã ngầm tự động chuyển tin nhắn với tư cách là từ số thuê bao đến các đầu số tính phí (thường là mức 15.000 đồng/SMS). Thế là tài khoản thuê bao trả trước của người dùng cứ thế bị trừ tiền, còn đối với thuê bao trả sau thì hóa đơn cước tháng cứ mỗi ngày tăng lên mà họ không hề hay biết.

Một hình thức lừa người dùng smartphone nữa là tung các đường link, những mẫu quảng cáo tràn lan trên mạng, đặc biệt là trên các website dịch vụ lạ. Khi người dùng smartphone vô tình hay cố tình chạm vào xem, thì động tác đó được các phần mềm lừa đảo “đọc” thành lệnh gửi tin nhắn kích hoạt đăng kí sử dụng các dịch vụ nội dung số. Tùy theo dịch vụ mà tính cước theo ngày, tuần hoặc tháng, tuy nhiên với mức thường từ vài ngàn đồng đến 20.000-30.000 đồng, khiến người dùng không để ý nên khó phát hiện.

Tiền tỉ vào túi kẻ lừa

Trong trường hợp Cty IMMC, số nạn nhân bị dính phần mềm lừa đảo gửi tin nhắn đến đầu số tính tiền là hơn 800.000 người, với tổng số tiền bọn này móc túi người dùng lên đến hơn 9 tỉ đồng. Tuy nhiên theo các chuyên gia an ninh mạng, nếu các chiêu lừa trên không bị phát hiện và ngăn chặn, thì số nạn nhân sẽ tăng dần lên và số tiền chúng lấy của người dùng smartphone cũng tăng lên nhanh chóng.

Trong khi đó, theo một số nhà mạng, khi bị đối tượng xấu “móc túi” như vậy các thuê bao di động thường hiểu lần do nhà mạng tính cước sai, hoặc tự động kích hoạt dịch vụ để thu phí của khách hàng, chứ không biết rằng chính họ đã bị sa bẫy chiêu thức lừa đảo mới trên mạng di động.

Trường hợp đối tượng lừa đảo dùng phần mềm tự động kích hoạt đăng kí dịch vụ thường rơi vào những doanh nghiệp nội dung số làm ăn mờ ám, lôm côm, mỗi dịch vụ được chúng…kích hoạt/đăng kí thay cho thuê bao sẽ được chia sẻ doanh thu.