Tiềm năng lớn, khai thác thô sơ
Kinh tế biển - trong đó có đánh bắt thuỷ hải sản - hiện khoảng 50% GDP. Hoạt động đánh bắt thủy sản của Việt Nam đứng thứ 9, hoạt động nuôi trồng đứng thứ 3 so với quốc tế. Riêng con tôm sú và cá ba sa thì đứng đầu thế giới. Trong hoạt động xuất khẩu thuỷ hải sản, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan...
Thế nhưng, thực tiễn vươn khơi, khai thác thuỷ sản của ngư dân cho đến chuỗi hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu... trên bờ theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT lại là một bức tranh chưa vui.
Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, trong số gần 200.000 tàu cá trên cả nước, chỉ có 28.285 tàu công suất lớn trên 90CV, chiếm 23,1%. Có đến 99% số tàu đóng từ gỗ; 80-90% số tàu dùng thiết bị cũ, động cơ... ôtô cũ để chạy đường biển. Bởi vậy, khả năng vươn khơi kém.
Theo đánh giá mới nhất của Cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT), trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản ven bờ chỉ cho phép khai thác mức an toàn là 600.000 tấn, thì chúng ta đã đánh bắt đến 1,6 triệu tấn (trong tổng sản lượng 2,7 triệu tấn/năm 2013). Ngược lại, trữ lượng ngư trường khơi xa trên 1,2 triệu tấn, thì ta mới khai thác được 900.000 tấn.
Cũng ông Cao Đức Phát cho rằng, việc đánh bắt đã thô sơ, lạc hậu từ phương thức đơn lẻ, manh mún, phương tiện lạc hậu, song việc bảo quản thuỷ hải sản của Việt Nam hiện cũng rất kém. Tỉ lệ thất thoát sau khai thác từ 25-30%; vào đến bờ thì gặp hạ tầng kỹ thuật, cảng biển, cầu tàu, âu thuyền... đều quá tải, xuống cấp. Thậm chí nhiều cửa biển bị bồi lấp, tàu thuyền không vào được tránh bão.
Cần đầu tư cho cả con người và phương tiện
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, ngư dân sắm tàu vài tỉ đồng đều từ vốn vay ngân hàng, chi phí chuyến ra khơi gần 200 triệu đồng cũng dùng vốn vay, thậm chí vay nặng lãi; trong khi thành quả khai thác chỉ còn 50%, chia cho 20-30 gia đình. Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho rằng, hiện đánh bắt cá toàn là lao động phổ thông; ĐH Thuỷ sản tuyển không ra sinh viên, không nơi nào đào tạo con người khai thác cá... Hiện với tàu loại nhỏ, thô sơ nhưng lại phù hợp với ngư dân; đóng tàu to, vỏ sắt cần có mô hình cụ thể để nhân dân học hỏi.
Hiện 331 xã bãi ngang ở 22 tỉnh, thành có biển, tỉ lệ hộ nghèo là 16%, gấp đôi bình quân cả nước, nhiều nơi tỉ lệ hộ nghèo gấp 3. Ngư dân thiếu cả vốn mua sắm phương tiện và vốn đầu tư thường xuyên. Ứng dụng khoa học công nghệ chưa đạt, thất thoát sản phẩm đến 30%.
Từ các ý kiến và tham luận của các địa phương và bộ ngành trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại 15 chính sách liên quan đến đánh bắt thuỷ hải sản để điều chỉnh, nâng cấp thành nghị định trong tháng 5.2014. Đặc biệt, các chính sách liên quan đến tín dụng, bảo hiểm, đầu tư cho ngư dân... cần được sửa đổi để đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Chính quyền các địa phương phải cải thiện ngay thực trạng đói nghèo của ngư dân ở các vùng bãi ngang. Không chỉ nâng cao đời sống, đảm bảo an toàn, tạo niềm tin cho ngư dân vươn khơi bám biển, mà còn đầu tư về con người.