Thực hiện chỉ thị này, nhiều cơ quan hành chính đã có các biện pháp cụ thể và tạo được những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đơn vị vẫn còn triển khai và thực hiện có tính chất đối phó dẫn đến năng suất làm việc, hiệu quả quản lý và hoạt động phục vụ nhân dân còn nhiều hạn chế.
Mặc dù trong giờ hành chính nhưng bộ phận "một cửa" UBND xã Đạo Nghĩa chỉ có một cán bộ tư pháp ở vị trí làm việc. (Ảnh chụp lúc 14 giờ 30 phút ngày 30/6) |
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17, thời gian qua tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra công vụ. 13 giờ 30 phút, ngày 30/6, Đoàn kiểm tra công vụ của tỉnh có mặt tại trụ sở UBND xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp). Mặc dù đã đến giờ hành chính của buổi chiều nhưng trụ sở vẫn vắng lặng, các phòng làm việc đều khóa.
Dạo qua một vòng, chỉ có bộ phận “một cửa” của xã đang mở cửa nhưng khi vào trong, chỉ có 1 cán bộ bộ phận tư pháp xã có mặt. Các vị trí còn lại đang trong tình trạng “ghế chờ cán bộ”. Nhìn ra khu vực để xe công vụ, nhà xe cũng chỉ thấy một chiếc xe máy lẻ loi.
Đến 14 giờ cùng ngày, sau khi Đoàn kiểm tra có mặt và cán bộ nói trên nhiều lần gọi điện mới có thêm 2 người hớt hải tới vị trí làm việc. Sau đó, khung cảnh ở đây vẫn im ắng mà không hề có thêm cán bộ nào đến làm việc.
Vì không gặp được cán bộ có chức trách để hỏi lý do vì sao nhiều cán bộ vắng mặt tại thời điểm kiểm tra nhưng qua trò chuyện với một vài người dân đến giải quyết công việc ở xã thì được biết, trước đây, xã chỉ làm việc buổi sáng, còn buổi chiều không làm việc. Gần đây, xã đã làm việc cả ngày nhưng buổi chiều thì rất muộn, cứ phải 14 giờ trở đi.
Sau khi rời trụ sở UBND xã Nghĩa Thắng, Đoàn kiểm tra tiếp tục đến xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp), mặc dù lúc này đã là 14 giờ 30 phút nhưng cũng khá vắng vẻ. Phòng Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã cùng nhiều phòng khác vẫn “cửa đóng then cài”. Đúng lúc này, một cán bộ bộ phận “một cửa” lên mở cửa phòng, kéo tấm kính chắn ở khu vực tiếp dân để bắt đầu một buổi làm việc.
Khi hỏi vì sao tới giờ mới mở cửa thì cán bộ này phân trần là vừa đi nhận cây giống về để phát cho người dân. Khi hỏi đến các vị trí đang trống như cán bộ phụ trách địa chính, thương binh và xã hội… đi đâu mà chưa có mặt thì vị cán bộ này trả lời không biết. Khi hỏi nếu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã không có ở trụ sở thì ai ký hồ sơ cho người dân, cán bộ này trả lời là nếu không có ai ký thì để sáng hôm sau.
Để làm rõ thêm, Đoàn kiểm tra tìm cán bộ văn phòng để hỏi vì sao nhiều cán bộ vắng mặt thì được trả lời là do đang đi cơ sở, còn Chủ tịch UBND xã thì đi họp ở huyện, Phó Chủ tịch UBND xã thì đang đi học. Đoàn kiểm tra yêu cầu cho xem công văn hay giấy mời đi họp thì cán bộ văn phòng không cung ấp được. Khoảng 15 phút sau, Chủ tịch UBND xã “đi họp ở huyện” lại có mặt ở phòng làm việc. Vị Chủ tịch UBND xã này cho biết chỉ đi họp buổi sáng nhưng chắc văn phòng không biết, tưởng họp cả ngày.
Ngoài kiểm tra 2 xã trên, cùng ngày, ở những thời điểm khác nhau, Đoàn kiểm tra công vụ của tỉnh đã kiểm tra một số đơn vị khác như xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp), UBND huyện Tuy Đức và xã Quảng Trực (Tuy Đức). Tại thời điểm kiểm tra, rất nhiều cán bộ ở các vị trí không có mặt. Người thì vắng mặt có lý do như đi học, đi họp hoặc nghỉ sinh, nghỉ phép nhưng cũng có người vắng không rõ lý do hoặc lý do có nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh phù hợp.
Một điều rõ ràng là hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở cơ sở, các chức danh cấp xã, phường đã được bổ sung, kiện toàn nên trong trường hợp nào thì cũng cần bố trí đủ cán bộ để giải quyết công việc kịp thời cho người dân. Vì vậy, việc để người dân hằng ngày phải chờ đợi vì ý thức chấp hành công vụ của đội ngũ cán bộ chưa cao là không thể chấp nhận được. Để chính quyền thực sự vì dân và gần dân thì tình trạng cán bộ đi muộn, về sớm, la cà trong giờ hành chính phải được chấm dứt một cách đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở. Như vậy mới tạo được nền nếp công vụ nghiêm minh và văn minh theo đúng nghĩa.
Bài, ảnh: Đức Diệu
Nguồn tin: Báo Đăk Nông