Trang thông tin điện tử Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Júthttps://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/uploads/favicon-touch.png
Thứ tư - 08/06/2016 05:281.4380
Ở vùng chuyên canh cà phê, một nông dân mạnh dạn trồng bưởi da xanh thu lợi lớn.
Ông Nguyễn Văn Nhàn ở tổ dân phố 8, TT.Quảng Phú, H.Cư Mgar (Đắk Lắk), nổi tiếng trong vùng là người làm ăn giỏi. Từ quê đất võ Bình Định lên cao nguyên lập nghiệp những năm đầu thập niên 1990, vợ chồng ông khởi sự với nghề buôn bán nông sản nhỏ lẻ. Vốn yêu thích nghề nông nên dành dụm được bao nhiêu lời lãi từ kinh doanh là ông Nhàn tìm sang nhượng lại đất rẫy. Ngay cả đất ở xa nguồn nước, cằn cỗi, nhiều người chê nhưng ông vẫn chấp nhận mua để cải tạo, biến thành diện tích canh tác màu mỡ. Trong vòng 15 năm, vợ chồng ông có trong tay hơn 20 ha đất chuyên trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.
Phá thế độc canh cà phê
Khác với những nông dân chuyên canh cà phê trong vùng, ông Nhàn luôn tìm cách thay đổi bằng những cây trồng khác sinh lợi nhiều hơn. Diện tích cà phê ban đầu hơn 10 ha được ông cho phá bỏ dần đến nay chỉ còn 3 ha. Thay vào đó, ông trồng hồ tiêu và các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao nhưng đầu tư chăm sóc ít tốn kém hơn.
Cách đây chục năm, ông đưa vào trồng sầu riêng thuần trên 2 ha, đồng thời xen hàng trăm cây khác trong vườn cà phê. Thu nhập từ sầu riêng bình quân 200 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng cà phê, nhưng ông Nhàn vẫn chưa thỏa mãn. Ông tiếp tục trồng các giống bơ cao sản và mít “siêu sớm” trên diện tích gần 7 ha để so sánh hiệu quả đem lại của các loại cây ăn trái này.
4 năm trước, ông phá bỏ hơn 1 ha cà phê để trồng 370 cây bưởi da xanh với giống mua từ Cai Lậy, Tiền Giang. Ban đầu, người thân ông Nhàn phản đối gay gắt vì cho rằng cây bưởi không hợp đất cao nguyên, khó sinh trưởng, cho trái như ở miền Tây Nam bộ. Quyết vượt thử thách này, ông Nhàn ứng dụng các giải pháp công nghệ cao chăm sóc cây ăn trái vào vườn bưởi, từ khâu bón phân, tỉa cành, theo dõi phòng trừ sâu bệnh, đến lắp hệ thống tưới tiết kiệm, bảo đảm mùa khô bưởi vẫn xanh tốt nhờ tưới đủ nước. Được chăm sóc kỹ nên dù trồng ở chân đất dốc, bưởi vẫn phát triển, năng suất trái cao không thua kém những cây trồng trên đất bằng. Dưới chân các gốc bưởi, ông Nhàn cho trồng các loại cây ngắn ngày, cỏ trang trí để chống xói mòn đất. Những loại cây tưởng chừng chỉ tận dụng đất này cũng đem lại nguồn thu không nhỏ, trang trải các chi phí nhân công chăm sóc vườn...
Vài năm trở lại đây, bưởi da xanh trở thành cây nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Sông Xoài, H.Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thu nhập không ngừng tăng
Kết quả, vườn bưởi da xanh đã cho thu nhập cao hơn hẳn so với những cây ăn trái khác. Theo ông Nhàn, bưởi ra trái quanh năm, hơn 60% trái thu hoạch có trọng lượng từ 1,5 kg/trái trở lên, giá bán tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg, mỗi gốc bưởi cho thu nhập bình quân tới 3 triệu đồng. Năm 2015, 1 ha bưởi cho doanh thu tới 1,1 tỉ đồng; trong khi hơn 10 ha sầu riêng, mít, bơ còn lại thu gần 2,5 tỉ đồng. Ông Nhàn cho biết sản phẩm bưởi da xanh chỉ mới tiêu thụ ở Đắk Lắk, không đủ để cung cấp đến TP.HCM và tỉnh ngoài dù có nhiều đơn đặt hàng. Ông cũng cho rằng năm 2016 dự kiến vườn bưởi sẽ bước vào tuổi thứ 5, thu hoạch mỗi năm sẽ ổn định ở mức 5 triệu đồng/cây.
“Ở Tây nguyên thời tiết thất thường, nhiều lúc mưa to, gió lớn; cây bưởi trồng trên đất bazan mềm, cõng nhiều trái nên dễ bật gốc, gãy đổ. Tôi cũng tự mình nghiên cứu, chuyển dần sang trồng bưởi ghép gốc thay cho bưởi chiết cành để cây có rễ cọc, vững chắc hơn”, ông Nhàn nói. Tỉ phú cây ăn trái trên vùng chuyên canh cà phê Cư Mgar cũng cho biết mùa mưa năm nay ông sẽ xuống giống trồng mới thêm 2 ha bưởi da xanh và những năm tới tiếp tục mở rộng sản xuất loại cây này vì thị trường tiêu thụ đang rất hút hàng.