Nông dân Trương Văn Tân (ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) than thở: “Khoảng 2 năm nay thanh long là loại trái cây luôn được giá cao. Thanh long lên đời kéo theo nhiều người trồng thanh long, đến khi vào vụ thu hoạch rộ như vừa qua thì giá đảo chiều giảm mạnh, chỉ còn vài ngàn đồng 1kg khiến nhiều hộ bị lỗ”. 

Theo ông Võ Chí Thiện, Chủ nhiệm HTX thanh long Mỹ Tịnh An, khoảng 80% sản lượng thanh long được xuất sang thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này rất thất thường, không thể đoán trước được. Nếu như mấy tháng trước giá thanh long rớt còn 3.000 đồng/kg thì nay nhích lên khoảng 24.000 đồng/kg, nhưng đã cạn hàng.

 
  Nông dân xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành (Long An) bên vườn thanh long.

 

Nông dân Đặng Văn Lòng (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết: “Thời gian qua trái quýt đường luôn được giá cao từ 20.000 - 30.000 đồng/kg nên ai cũng chạy đua mở rộng diện tích. Vài tuần qua quýt đường giảm còn 12.000 - 14.000 đồng/kg khiến nhà vườn chới với. Tất cả là do sản xuất theo phong trào”.

Mạnh dạn thay đổi

Trong xu thế hội nhập, trái cây ĐBSCL không chỉ cạnh tranh trên thương trường quốc tế, mà còn ngay thị trường nội địa. Để tránh tình trạng “thua trên sân nhà”, trái cây ĐBSCL cần hướng đi mới, trong đó đột phá về giống sạch bệnh, thay đổi trong sản xuất, tiêu thụ, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ “bốn nhà”. Đồng thời cần quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn trái trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn sạch, đáp ứng cho nhiều thị trường khó tính.

Chủ động tìm hướng đi mới, tỉnh Tiền Giang đã không chủ trương phát triển đại trà mà tập trung đầu tư nâng chất lượng những loại cây đặc sản. Điển hình là việc trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP. Mô hình này đã giúp nhà vườn thay đổi toàn bộ từ nhận thức đến cách làm. 

Những hộ tham gia được ngành chuyên môn hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc trừ sâu, tuân thủ quy trình bón phân, áp dụng bao trái, ghi nhật ký… Trái vú sữa đạt tiêu chuẩn Global GAP đã xuất khẩu sang Anh Quốc, Canada…, giá bán cao hơn nhiều so loại thường.

Tại Đồng Tháp, mô hình trồng quýt hồng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đem lại tín hiệu lạc quan. Ông Hồ Thanh Phương - Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: “Trước đây quýt hồng Lai Vung gặp khó khăn ngay trên sân nhà bởi quýt Trung Quốc cạnh tranh dữ dội. 

Sau khi huyện mạnh dạn thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết tập trung quy mô lớn, có đầu tư kỹ thuật theo hướng VietGAP đã nâng được chất lượng trái quýt. Bên cạnh đó, năng suất cũng tăng lên, rồi màu sắc rất đẹp, độ đồng đều cao… từ đó người tiêu dùng rất chuộng. Giá quýt hồng luôn ở mức cao từ 28.000- 33.000 đồng/kg”.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Khang cho biết, cần sự đầu tư mạnh cho trái cây thì mới mong tạo được chỗ đứng trên thương trường quốc tế. Nếu so với thủy sản, lúa gạo… thì sự đầu tư của Nhà nước cho cây ăn trái còn quá ít. Vấn đề bảo quản sau thu hoạch, kho lạnh dự trữ, chế biến, xuất khẩu… của mặt hàng trái cây còn nhiều hạn chế. 

Tại ĐBSCL, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất cả nước cũng chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trái cây xứng tầm. Nguyên nhân là do kinh doanh trái cây dễ bị hư thối, rủi ro cao, lợi nhuận thấp… Vì vậy Nhà nước phải đầu tư, trợ lực tích cực cho doanh nghiệp và nhà vườn. Có như vậy mới mong tạo ra sự chuyển biến đồng bộ, thúc đẩy trái cây phát triển nhanh.