Tổng số nhân sự đoàn TTVN dự ASIAD 2014 là 298 người, trong đó có 199 VĐV. Theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, đây là con số đã rút xuống tối đa để tiết kiệm chi phí. Cụ thể là những môn đại chúng như bóng chuyền, quần vợt, bóng bàn buộc phải ở nhà vì vấn đề kinh phí!

Trong 21 môn thi thì có tới 18 môn đi theo kinh phí nhà nước, 2 môn đi theo hình thức xã hội hóa và do chủ nhà mời là solf tennis, golf, bowling.

Mặc dù đã tiết kiệm tối đa, do ngân sách cấp cho ngành thể thao năm 2014 hạn chế - chỉ khoảng 680 tỉ đồng, nhưng chi phí để “đãi vàng” ASIAD 2014 đã là khá lớn.

Riêng tiền chế độ cho 64 VĐV trọng điểm trong vòng 6 tháng đã tiêu tốn khoảng 10 tỉ (mức 800.000 đồng/người/ngày). Hơn 100 VĐV không ở diện “trọng điểm” cũng phải đầu tư chế độ ăn, tiền công tương đương, khoảng 10 tỉ.

Về lệ phí dự ASIAD, sau khi đã rút tốt đa số người tham dự thì số tiền phải đóng cho BTC cũng rơi vào khoảng 500.000USD, tương đương 10 tỉ (110USD/người trong vòng nửa tháng).

Nhưng đắt đỏ và tốn kém nhất chính là khoản chi tập huấn. Con số này tuy chưa có quyết toán cụ thể từng môn, nhưng chỉ xét một số môn trọng điểm, đã cho thấy con số khá lớn. Chi phí cho Ánh Viên tập huấn tại Mỹ trong vòng 6 tháng lên tới 200.000USD, tương đương 4 tỉ. Hay với môn điền kinh, để tiết kiệm chi phí, những VĐV như Vũ Thị Hương, Thu Thảo (HCB ASIAD nhảy xa) không đi tập huấn, chỉ có tổ tiếp sức gồm Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy được đầu tư tập huấn 3 tháng ở bang Florida (Mỹ), phần chi phí cho chuyến tập huấn này cũng ngốn 150.000USD - chừng 3 tỉ đồng.

Đó là chưa kể những đội tuyển khác cũng được “cài” đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài như taekwondo, bắn cung đi Hàn Quốc, TDDC đi Nhật Bản, cử tạ đi Hungary…

Theo một chuyên gia về thể thao, chi phí tập huấn, thi đấu cho một đội tuyển trong năm 2014 cho tới khi dự ASIAD không dưới 2 tỉ. Như vậy ngành thể thao đã “đổ” cả trăm tỉ vào việc chinh phục đấu trường ASIAD.

Điều đáng tiếc là gieo trăm tỉ chỉ gặt được… 1 HCV.

May mà không đăng cai… ASIAD

Với thành tích khiêm nhường là 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ ở Incheon 2014, thì nhiều người giật mình nhớ lại khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của lãnh đạo Bộ VHTTDL khi đệ trình đề án đăng cai ASIAD 18- 2019 là sẽ có “ít nhất từ 10 đến 15 HCV”. Làm thế nào để từ 1 HCV (của môn wushu) có thể hô biến lên 10-15 HCV? Hoàn toàn có thể làm được điều ấy nếu đưa những môn truyền thống như đẩy gậy, đá cầu… vào chương trình ASIAD. 

Hơn nữa theo đề án đăng cai ASIAD 18 - năm 2019 - thì để có chừng đó HCV, tổng chi phí đầu tư vào VĐV phải lên tới vài ngàn tỉ đồng, trong đó riêng dự tính chi phí cho 50 VĐV trọng điểm cũng ngốn 25 triệu USD (hơn 500 tỉ) trong vòng 5 năm. Rất may là Việt Nam không đăng cai, nếu không sẽ lại là những dòng tiền khổng lồ đổ vào thể thao để rồi sau đó chờ… may rủi.

Tất nhiên, không phải cứ đổ tiền là thành vàng. Chẳng hạn như Ánh Viên, chi phí 4 tỉ/năm tập huấn bên Mỹ cũng chỉ có 2 HCĐ không có nghĩa là đầu tư 8 tỉ thì có HCB hay 10 tỉ thì chúng ta có HCV trong môn bơi. Hay tổ điền kinh đi tập huấn tại Mỹ chi 3 tỉ, nhưng cũng chỉ có 1 HCB của Quách Thị Lan.

Công bằng mà nói việc đầu tư cả trăm tỉ cũng không phải vô nghĩa, khi mà TTVN có một loạt các môn lần đầu có huy chương ASIAD trong đó có TDDC, bơi, đấu kiếm, xe đạp…

Nhưng nếu chỉ bám vào những tấm huy chương đó mà không thừa nhận thất bại, ở việc không đạt chỉ tiêu, ở việc thụt lùi trong bảng xếp hạng ASIAD, hoặc chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á, thì thể thao Việt Nam đang thiếu trách nhiệm với những đồng tiền ngân sách. Vì mục tiêu khi quyết định đầu tư là huy chương vàng, chứ không phải huy chương bạc hoặc huy chương đồng!

Đồng thời, cũng nên có người chịu trách nhiệm về những thất bại ở những môn như điền kinh (trường hợp Thanh Phúc bị loại vì phạm quy, Văn Lai bỏ cuộc) hay bắn cung không HCV, các môn judo, taekwondo, karate, vật đều thất bại…

Cần dũng cảm thẳng thắn thừa nhận ASIAD 2014 là thất bại thay vì tâm lý “thua vẫn ngẩng cao đầu” đã dần ăn sâu, bám rễ từ bóng đá đến các môn khác! Tư tưởng ấy chỉ làm TTVN tiếp tục tụt hậu mà thôi!