Lạm phát công chứngPhiên giải trình “Hoạt động công chứng, chứng thực - thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Pháp luật của QH tổ chức hôm qua (5.9) bắt đầu bằng tình trạng giống y như lạm phát.
Ghi nhận những thành tựu đặc biệt là tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng được “tăng cường mạnh mẽ”, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương ta thán hoạt động công chứng, chứng thực xoay quanh hai chữ “thả nổi”.
Văn phòng công chứng đang bị lạm phát (Ảnh minh họa) “Việc thành lập các văn phòng công chứng (VPCC), dù Bộ trưởng nói là “phát triển nóng”, nhưng thực tế là phát triển không theo quy hoạch nào cả. Vượt quá quan hệ cung - cầu” - ông Cương nói, đồng thời phản ánh tình trạng “Ở một số tỉnh, thành đang xuất hiện tình trạng công chứng viên cầm theo con dấu đến từng doanh nghiệp, gõ cửa từng nhà mời công chứng”.
Khâu “bổ nhiệm hàng hoạt công chứng viên” cũng đang cho thấy tình trạng thả nổi trong khi chất lượng kém chính là nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong hoạt động công chứng. Nhưng nghiêm trọng nhất là việc thả nổi hoàn toàn trong vấn đề bản dịch với: Chất lượng kém. Giá cả thả nổi, muốn thu bao nhiêu thì thu. Không quản lý được, nếu có thắc mắc thì không ai trả lời.
Một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận rằng “Có lẽ cũng chưa lường hết được những phát sinh của việc xã hội hóa (hoạt động công chứng). Chẳng hạn việc các tổ chức công chứng phải phát triển theo quy hoạch”. Theo Bộ trưởng, VPCC chỉ hoạt động theo Luật DN trong khi “Luật DN thì không khống chế được thành lập bao nhiêu DN”. Ông thừa nhận có sự “lúng túng từ Bộ Tư pháp đến các tỉnh, thành”, tuy nhiên vẫn khẳng định “DN thành lập có thể giải thể, phá sản. Nhưng công chứng như một sản nghiệp. Người quản lý có thể không còn, có thể nghỉ, thôi, nhưng VPCC phải tồn tại, vì trách nhiệm của VPCC là trách nhiệm suốt đời với những gì mình công chứng”.
Dẫn chứng về chuyện “Các nước có bản đồ công chứng từ thế kỷ 19”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói hoạt động công chứng, chứng thực là cần thiết. Và ông đưa ra những biện pháp để sắp xếp lại “Một địa bàn quận huyện, không quá 4-5 văn phòng”.
"Quốc tế họ ngạc nhiên lắm"
Nhưng trong khi VPCC thừa mứa ở các thành phố lớn, thì hoạt động công chứng vẫn chưa đủ để đảm bảo cho một nền hành chính công lấy tiêu chí phục vụ làm đầu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long đưa ra con số: Trong 11.195 xã phường thị trấn trên toàn quốc, hiện chỉ có 564 tổ chức hành nghề tư. Đến 2020 mới có 1.700 tổ chức, vậy thì liệu có tạo ra được một nền hành chính gần dân, vì dân không?
ĐBQH Tô Văn Tám cũng phản ánh tình trạng người dân phải “đi xa hơn, phí cao hơn, mất nhiều thời gian hơn”, trong khi ĐBQH Ngô Văn Minh dùng chữ “cạnh tranh không lành mạnh” và “loạn giá” để nói về những hạn chế trong hoạt động dịch thuật - công chứng.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích rằng: Công chứng khác xa chứng thực từ nội dung đến trách nhiệm. Chứng thực chủ yếu là hình thức. Còn công chứng có trách nhiệm hợp pháp, do trách nhiệm khác nên chi phí khác “Giờ chính phủ xác định chuyển giao sở hữu bắt buộc công chứng. Nếu an toàn cho giao dịch thì có thể đi xa, phí cao nhưng ngăn ngừa tranh chấp tiềm ẩn. Đến năm 2015 theo quy hoạch sẽ có tổ chức hành nghề công chứng để gần dân hơn” - ông nói.
Về vấn đề bản dịch công chứng có nhiều sai sót, Bộ trưởng nói, ông biết “Nếu sai bản dịch trong hoạt động tố tụng thì rất là lớn”.
Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng việc bổ nhiệm công chứng viên dễ dãi, trong khi nghề này đòi hỏi chuyên môn cao, nhất là về pháp luật dân sự, đất đai, thừa kế. “Trong thời gian vừa qua, những sai phạm về công chứng ở Việt Nam thì quốc tế họ ngạc nhiên lắm. Vì làm nghề mà để xảy ra những sai sót như vậy”. Theo ông Cường, các công chứng viên được đào tạo qua học viện tư pháp chỉ chiếm 35%, còn 65% được miễn. Do vậy, chỉ chuyên về hình sự mà chuyển sang làm dân sự thì rất khó. Ông hứa sắp tới sẽ tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ. Và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh tiêu chuẩn đầu vào của công chứng viên.