Phiên chất vấn vị "tư lệnh" lĩnh vực văn bản quy phạm pháp luật Hà Hùng Cường tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra khi mà dư luận và người dân phải nhiều lần phản ứng với không ít văn bản pháp luật làm khó người dân hay xa rời thực tế cuộc sống. Có thể kể ra hàng loạt quy định khiến người dân và công luận phải lên tiếng như quy định về xe chính chủ, CMND ghi tên cha mẹ, tổ chức tang lễ của công chức, phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng... và mới nhất là cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Điều đáng nói là trong khi người dân chưa hết bức xúc với văn bản quy phạm pháp luật này thì lại xuất hiện văn bản khác khiến dư luận thêm bức xúc. Đã có không ít lý giải, truy tìm nguyên nhân vì sao mà các cơ quan công quyền, quản lý nhà nước cứ liên tiếp đưa ra những quy định làm khổ dân hay thiếu khả thi như vậy. Có những ý kiến cho rằng đó là hệ quả của bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn cuộc sống xuất phát từ tư duy, quyết định "trong phòng máy lạnh".
Song rất nhiều ý kiến đồng tình rằng đó là biểu hiện của sự cửa quyền, luôn muốn giành thuận lợi, lợi ích về phía mình và đẩy cái khó, cái khổ cho người dân và xã hội. Nói cách khác, thay vì phục vụ người dân và xã hội thì các cơ quan công quyền này lại lợi dụng cái quyền được ra văn bản pháp quy của mình để bắt người dân và xã hội phục vụ lại mình.
Chính vì thế, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường rằng có hay không việc các bộ ra văn bản để bảo vệ lợi ích của mình cũng như có tham nhũng thông qua chính sách hay không. Cũng từ cách đặt vấn đề thẳng thắn này, vị đại biểu là thành viên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã "đặt hàng" Bộ trưởng Tư pháp đề xuất với Chính phủ trao cho người dân quyền khởi kiện, đòi bồi thường đối với những văn bản trái luật để họ tự bảo vệ mình. Bởi theo đại biểu này, trong nhà nước pháp quyền thì người dân và nhà nước cùng phải tôn trọng pháp luật.
Ra văn bản sai không chỉ khiến người dân bức xúc mà còn có thể dẫn tới rất nhiều hệ luỵ, gây thiệt hại cho người dân và xã hội. Do vậy, có hình thức chế tài hay phải bồi thường tương xứng có thể xem như một liều thuốc đủ mạnh để trị "bệnh" ra văn bản hành dân hay không khả thi vốn đã trở lên không thể xem nhẹ.
Nguồn tin: NLĐ Online
QUỐC HỘI SỚM SỬA ĐỔI LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT. Trong thời gian vừa qua dư luận và người dân phải nhiều lần phản ứng với không ít văn bản pháp luật làm khó người dân hay xa rời thực tế cuộc sống. Có thể kể ra hàng loạt quy định khiến người dân và công luận phải lên tiếng như quy định về xe chính chủ, CMND ghi tên cha mẹ, tổ chức tang lễ của công chức, phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng... và mới nhất là cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với chức năng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp đã phát hiện một số văn bản của một số Bộ ngành ban hành không đúng theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản và đã tuýt còi đề nghị thu hồi lại, như Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế vv… được dư luận rất hoan nghênh đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều văn bản dưới luật ban hành hướng dẫn không thống nhất, nội dung mâu thuẫn với nhau của các Bộ, ngành trung ương, nhưng chưa được Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị sửa đổi kịp thời, dẫn tới phản ứng trong dư luận nhân dân như trong thời gian vừa qua. Nhiều năm qua Quốc hội đã có nhiều luật đã được quốc hội thông qua đang áp dụng trong cuộc sống, tuy nhiên đến nay còn nhiều luật vẫn chưa có những văn bản dưới luật hướng dẫn để thực hiện , do vậy các cơ quan áp dụng pháp luật không thể thực hiện được. Có nhiều luật đã có nghị định của Chính phủ nhưng lại không có thông tư của cấp Bộ hướng dẫn cuối cùng cũng không thực hiện được. Nhiều khi người dân nói cho vui Thông tư của cấp Bộ còn cao hơn luật do Quốc hội ban hành vì cấp Bộ không có thông tư hướng dẫn thì các cơ quan áp dụng pháp luật đành chịu, không thể áp dụng được. Chính vì trong thời gian vừa qua do chưa có thông tư cấp Bộ hướng dẫn, đã hạn chế quyền hoạt động và kinh doanh, làm thiệt hại đến nhiều tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình kinh doanh, không thể nào thống kê được. Các tổ chức doanh nghiệp cá nhân cũng không biết kêu ai. Có những luật đều được quốc hội thông qua như Luật đất đai, Luật công chứng , nhưng khi có những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện nhưng không thống nhất, như Luật đất đai cho phép người dân khi làm thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi đất đai, có thể được lựa chọn làm thủ tục tại UBND các xã, phường thị trấn; văn phòng đăng đai cấp huyện, thị, thành phố hoặc tại phòng công chứng. Trong khi đó văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật công chứng thì bắt buộc người dân phải làm thủ tục tại phòng công chứng. Trong thời gian vừa qua nhất là làm thủ tục chuyển nhượng đất đai tại Phòng công chứng tư đã lộ lên những bất cập, do Phòng công chứng không nắm được thông tin, tính xác thực nguồn gốc đất đai đang làm thủ tục sang nhượng, do vậy kẻ xấu đã lợi dụng làm bìa đỏ giả hết sức tinh vi giống như thật, đã qua mắt các công chứng viên làm thủ tục chuyển nhượng trót lọt, đến khi cơ quan điều tra phát hiện được đã làm thiệt hại cho rất nhiều người mua đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa tính đến có thể nhiều bìa đỏ giả hiện nay đang thế chấp tại các ngân hàng thương mại, cũng chưa thống kê được mức thiệt hại như thế nào ?. Đề nghị việc công chứng hay chứng thực việc chuyển nhượng đất đai, nên thực hiện tại UBND cấp xã, phường, thị trấn và tại Văn phòng đăng ký đất đai là tốt hơn, vì tại nơi này các cơ quan chuyên môn sẽ đối chiếu bìa đỏ , biết được nguồn gốc của thửa đất thì phát hiện ngay bìa đỏ làm giả ngay. Để khắc phục tình trạng hiện nay các văn bản dưới luật các bộ ngành hướng dẫn không kịp thời, không đồng nhất, nội dung mâu thuẫn, đề nghị Quốc hội sớm bổ sung sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật , cần quy định thời gian nhất định cụ thể ban hành văn bản hướng dẫn, đình chỉ kịp thời các văn bản dưới luật do các bộ ngành ban hành dưới dạng thông tư, công văn hướng dẫn trái luật, trái nghị định chính phủ, đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý nếu văn bản hướng dẫn chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh gây thiệt hại , thì tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có thể kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng đối với cơ quan nhà nước có trách nhiệm đã không ban hành văn bản đúng thời hạn. Đề nghi Ủy ban thường vụ Quốc hội khi nào có đủ các văn bản dự thảo dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật mà quốc hội sắp thông qua, thì mới trình cho kỳ họp quốc hội để thông qua. Có như vậy việc thực hiện luật mới đi vào cuộc sống, không bị ách tắt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. MINH TRÍ