|
Nhiều vườn cà phê ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) được nông dân trồng các loại cây chắn gió, che bóng |
Ðơn cử như gia đình ông Nguyễn Cường ở thôn 5, xã Nâm N’Jang (Ðắk Song) có 12 ha cà phê thì từ khi bắt đầu xuống giống cà phê, đã trồng các loại cây chắn gió gồm hai loại: đai rừng chính và đai rừng phụ. Ðai rừng chính được bố trí thẳng góc với hướng gió hại chính, gồm hai hàng cây muồng đen cách nhau khoảng 200m, cây cách cây 2 m. Ðai rừng phụ gồm các hàng cây ăn quả như sầu riêng, mít nghệ với mật độ khoảng 50 cây/ ha. Vì vậy, trong mùa khô, dù canh tác trên vùng triền đồi, có độ dốc và lượng gió khá lớn, nhưng vườn cà phê của ông luôn phát triển tốt.
Vào mùa mưa, ông đều tiến hành rong tỉa bớt các cành thấp nhằm tạo sự thoáng đãng cho vườn cây, cung cấp đủ lượng ánh sáng cho cà phê, tránh phát sinh sâu bệnh. Ông Cường cho biết: “Nhờ có cây chắn gió, che bóng mà gia đình có thể tiết kiệm được khoảng 20% lượng nước tưới trong mùa khô, vì giảm được nhiệt độ của đất và không khí trong vườn. Vì vậy, năng suất cà phê hàng năm luôn đạt từ 4-5 tấn/ ha. Nguồn thu từ sầu riêng, mít nghệ cũng đạt khoảng 20 triệu đồng/ ha”.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Mai ở thôn 8 A, xã Ðắk Lao (Ðắk Mil) thì trong diện tích 1ha cà phê được trồng xen 50 cây sầu riêng và hơn 150 gốc tiêu, với trụ sống là các cây keo, muồng đen để vừa che bóng cho cà phê vừa là trụ cho tiêu leo bám.
Hàng năm, vườn cà phê của bà không chỉ cho năng suất ổn định mà còn có thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng từ tiêu. Bà Mai cho biết: “Nhờ có cây chắn gió, che bóng mà vườn cà phê của gia đình nhiều năm nay ít bị cháy lá, khô cành, dù có lúc không đáp ứng đủ lượng nước trong mùa khô”.
Theo ông Lê Văn Ðiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Ðắk Mil thì việc nông dân biết cây đai rừng, che bóng là một phương pháp canh tác thông minh, chứng tỏ một hướng đi có tính bền vững. Qua thống kê, hiện tại toàn huyện đã có khoảng 50% diện tích cà phê được nông dân trồng cây chắn gió, che bóng đúng kỹ thuật. Vì vậy, huyện sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc trồng các cây chắn gió, che bóng, nhất là trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ sáp, mít nghệ để có thêm thu nhập trên một diện tích canh tác, vừa giảm áp lực về nguồn nước tưới.
Tương tự, để bảo vệ vườn cà phê vào mùa khô, nhiều nông dân ở thị xã Gia Nghĩa cũng đã trồng các loại cây che bóng như keo, mít, sầu riêng. Ông Nguyễn Khắc Thảo, một hộ dân ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Ðức cho biết: “Gia đình trồng cà phê trên vùng đất khan hiếm nước nên hàng năm các loại cây che bóng, chắn gió đóng vai trò rất lớn trong việc giúp cây có thể phát triển tốt trong mùa khô, đảm bảo năng suất”.
Theo ngành Nông nghiệp thì hệ thống cây che bóng giúp điều hòa được khí hậu vườn cây, điều tiết sự ra hoa, đậu quả, giảm được bệnh khô cành cũng như cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất mặt tránh tác hại sự thiêu đốt chất hữu cơ do ánh sáng mặt trời, tăng khả năng giữ nước, giữ phân cho đất. Cây che bóng còn giúp kéo dài quá trình chín của quả, tăng độ axít và hàm lượng succrose trong hạt-những yếu tố quan trọng để hình thành các hợp chất thơm, giúp cải thiện phẩm chất của cà phê.
Nhiều nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên trong thời gian dài cho thấy, mật độ cây che bóng phù hợp sẽ ít gây ảnh hưởng đến năng suất cà phê, giúp ổn định năng suất qua các năm thu hoạch, hạn chế hiện tượng năm được mùa, năm mất mùa. Vườn cà phê kinh doanh được chăm sóc, tưới nước, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, kết hợp rong tỉa cây che bóng hợp lý thì có thể dễ dàng đạt năng suất trên 3,5 tấn nhân/ha. Do đó, nhà nông trên địa bàn tỉnh muốn canh tác cà phê hiệu quả thì cần thiết phải trồng cây chắn gió, che bóng.
Có thể nói, trong điều kiện biến đổi khí hậu đang làm cho tình hình khô hạn vào những tháng mùa khô trên địa bàn tỉnh ngày càng gay gắt, nguồn nước khan hiếm thì việc trồng các loại cây chắn gió, che bóng cho vườn cà phê đang chứng tỏ là một cách làm hiệu quả, đem lại lợi ích về nhiều mặt cho nông dân.
Bài, ảnh: Hồng Thoan