Mạng tin “Đa chiều” của Mỹ bản tiếng Trung Quốc ngày 11/5 và 13/5/2014 liên tiếp đăng các bài phân tích về pháp lý của các học giả Trung Quốc đối với Biển Đông trong một số cuộc hội thảo. Họ cho rằng Trung Quốc bị đuối lý về phương diện pháp lý cũng như hiện thực ở Biển Đông. Cuộc hội thảo đã điểm lại bối cảnh xảy ra xung đột, những tác nhân gây ra xung đột, chiên lược của Mỹ đối với khu vực cũng như những chính sách không thực tế của Trung Quốc thời gian qua.
| | |
| Hành động đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là âm mưu lấn từng phần, tiến tới độc chiếm biển Đông của Trung Quốc | |
Về bối cảnh Trung Quốc tăng cường gây hấn với một số nước thời gian qua ở Biển Đông, nhất là đối với Philippin, Việt Nam và một số nước khác, hội thảo cho rằng, về khách quan, Trung Quốc rất lo ngại “nhân tố Mỹ” chen vào quá sâu ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, kiềm chế và cản trở chiến lược lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ngay từ thời Bush nắm quyền, Mỹ đã nhận thức được “Cuộc đấu với Trung Quốc” mới là cuộc đấu thực sự đối với Mỹ trong chiến lược toàn cầu. Vì vậy, chiến lược “Trở lại Châu Á – Thái Bình Dương” và “Tái cân bằng Châu Á” trong đó lấy Trung Quốc làm đối thủ mới phản ánh đúng tầm quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Đến thời Obama làm Tổng thống, chiến lược này của Mỹ càng được thể hiện rõ nét hơn. Nên ông Obama thực hiện phương châm “Ra sức củng cố và tăng cường quan hệ với đồng minh truyền thống, Mỹ cần tăng cường mở rộng thêm bạn và đối tác mới” làm cho các nước ủng hộ Mỹ trong khu vực ngày càng tăng. Chiến lược này không hề giảm sút và lơi lỏng cho dù bị Nga phản kích ở Châu Âu, lấn chiếm Ucraina.
Trong nhiệm kỳ đầu, Obama đã liên tục đưa tàu tự do đi lại trong khu vực mà Trung Quốc gọi là “Cửu đoạn” hay “Biển nội địa” (inside sea) của Trung Quốc. Vì Mỹ cho rằng đây là “biển quốc tế” (open sea) và yêu sách chủ quyền về “Cửu đoạn” của Trung Quốc là vô lý.
Khi Obama bước sang nhiệm kỳ hai Tổng thống, Mỹ công khai phủ định và bác bỏ cái gọi là “Cửu đoạn” của Trung Quốc, ủng hộ các nước trong ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc, như Philippin, Việt Nam, Indonexia, Malaixia... ở Biển Đông, ủng hộ Nhật Bản bảo vệ chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Tháng 10/2012, Cố vấn an ninh Jeffrey Bader nói: “Yêu cầu về chủ quyền của Trung Quốc đối với Cửu đoạn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên bố về chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc là mơ hồ, mập mờ nước đôi, khó hiểu”.
Tiếp đó, tháng 5/2014,Trợ lý phụ trách công việc Châu Á – Thái Bình Dương BNG Mỹ, Daniel Russel khi thăm các nước Châu Á đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc và cho rằng yêu sách chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc đã phá hoại hòa bình ổn định khu vực. Cái gọi là “chủ quyền đối với Cửu đoạn” không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tháng 3/2014, Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel Locklear khi thăm Trung Quốc yêu cầu phía Trung Quốc giải thích về cái gọi là “Cửu đoạn” và cho rằng đây là vùng biển tự do đi lại.
Cùng với việc lên án trên, Mỹ luôn yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện theo Công ước về Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Chính sách này của Mỹ khiến Trung Quốc lo ngại và tự mình nhận thấy bị đuối lý về cơ sở pháp lý của “Cửu đoạn”. Tàu chiến của Mỹ vẫn đi tuần tiễu trong vùng biển “Cửu đoạn” mà Trung Quốc không dám làm gì.
Do thực lực quân sự, nhất là hải quân thì Trung Quốc vẫn yếu thế hơn Mỹ, nên đã sử dụng “con bài Nga” răn đe Mỹ, như yêu cầu Nga cùng tiến hành cuộc tập trận chung “Liên hợp trên biển -2014” từ 20/5 tới 26/5/2014 mà Trung Quốc muốn thuyết phục Nga tiến sát đảo Senkaku (Điếu Ngư) và xuống sâu hơn xuống Biển Đông.
Đại tá Roman Martov, Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương ngày 13/5/2014 cho biết phía Trung Quốc yêu cầu cuộc diễn tập kéo dài, tiến sát tới đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku hiện hai nước Trung – Nhật đang tranh chấp và đi xa hơn nữa xuống cả Biển Nam Trung Hoa. Dư luận báo chí Nga cho biết thời gian và địa điểm của cuộc tập trận chung này do chính Tập Cận Bình đề xuất với Putin nhằm kiềm chế Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Mạng tin “Đa chiều” ngày13/5/2014 cho biết về quy mô, địa điểm cũng như thời gian tổ chức cuộc tập trận chung này rõ ràng thể hiện ý đồ của Bắc Kinh là muốn kéo Nga vào cuộc tranh chấp ở Thái Bình Dương, cùng Trung Quốc kiềm chế Mỹ, kéo Hải quân Nga vào cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng là Nhật Bản và một số nước ASEAN.
Về lý lẽ thì Trung Quốc bị đuối lý trên Biển Đông
Báo chí Hồng Công cho biết thời gian qua, các học giả Trung Quốc tiến hành một số cuộc hội thảo về vấn đề pháp lý đối với Biển Đông và rút ra kết luận là phía Trung Quốc bị đuối lý về các mặt, thể hiện như sau:
Một là, về thời gian. Tháng 9/1945, Tổng thống Harry Truman cho công bố “Thông cáo thềm lục địa” của Mỹ, chủ trương Mỹ có quyền quản hạt và kiểm soát thềm lục địa và đáy biển đối với vùng biển nội địa kế cận tiếp nối với biển quốc tế. Năm 1947, Trung Quốc dưới thời Quốc dân đảng cũng cho công bố một đường ảo đứt đoạn chủ quyền đối với Biển Nam Trung Hoa. Tức là Trung Quốc chỉ có chủ quyền đối với vùng biển đã tiến hành đo đạc dòng nước và đối với những đảo đã tiến hành thăm dò. Tuyên bố này bị Mỹ lên án, nhưng nhìn chung ít tranh chấp xảy ra với các nước láng giềng vì chỉ là đường ảo đứt đoạn.
Năm 1958, Trung Quốc ra “Tuyên bố về lãnh hải” đưa ra khái niệm biển nội địa nhưng không hề đề cập tới Khu vực Biển Đông và các đảo, bãi ở Biển Đông.
Tháng 2/ 1960 Indonexia công bố Pháp lệnh về vùng biển kể từ lãnh hải 12 hải lý trở ra.
Ngày 12/5/1977, Việt Nam công bố “Vùng lãnh hải, khu vực lân cận, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, trong đó tuyên bố lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền khai thác kinh tế 200 hải lý.
Tháng 6/1978, Philippin ra tuyên bố “Pháp lệnh Tổng thống số 1599” trong đó có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ bản trở ra.
Tháng 4/1980, Malaixia cũng ra tuyên bố “Vùng đặc quyền khai thác kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ bản trở ra.
Năm 1982, Brunay cũng ra tuyên bố “Pháp lệnh ngư nghiệp Brunay” về vùng đặc quyền khai thác kinh tế 200 hải lý.
Năm 1986 Trung Quốc công bố “Luật ngư nghiệp”, năm 1998 công bố “Luật Vùng đặc quyền khai thác kinh tế và thềm lục địa” nhưng không hề chỉ rõ phạm vi Vùng đặc quyền khai thác kinh tế ở Biển Đông, càng không tuyên bố về biên giới ở Biển Đông. Năm 2012 khi Trung Quốc thành lập Thành phố Tam Sa quản lý vùng Biển Nam Hải, nhưng cũng không công bố cụ thể giới hạn như thế nào.
Như vậy, xét về mặt thời gian, Trung Quốc là nước công bố chậm nhất trong khi các nước khác đã tiến hành quản hạt và khai thác từ lâu. Hơn nữa, nhưng công bố đều rất mơ hồ về giới hạn địa lý, nên theo Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc là không phù hợp về thời gian cũng như tính pháp lý.
Hai là đuối lý về địa lý. Năm 1947, Trung Quốc thời Quốc Dân Đảng công bố chủ quyền đối với biển Đông chỉ là đường đứt đoạn, giới hạn trong khu vực bản thân Trung Quốc tiến hành đo đạc được mực nước, dòng nước chảy cũng như những đảo đã được thăm dò, chứ không có cái gọi là “Cửu đoạn” như của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Nên nhìn chung được dư luận các nước trên thế giới (trừ Mỹ) và các nước láng giềng chấp nhận.
Ngay những tuyên bố của Trung Quốc, như “Tuyên bố về lãnh hải” năm 1958, “Luật ngư nghiệp” năm 1986 và “Vùng đắc quyền khai thác kinh tế” năm 1998 cũng không đề cập tới biển Biển Đông, nếu có đề cập cũng chỉ là “đường tưởng tượng” không có mốc giới hạn, nên không có giá trị pháp lý.
Trên thực tế, các nước như Indonexia, Philippin, Brunay, Việt Nam, Malaixia từ lâu nay đã tiến hành khai thác dầu khí và tác nghiệp ngay trên cái gọi là “Vùng biển” mà Trung Quốc gọi là của mình. Tàu cá, các tàu thăm dò của Trung Quốc tới vùng biển này đều bị các nước xua đuổi và bắt giữ. Rốt cuộc cái gọi là “Cửu đoạn” là như thế nào? Khái niệm này hoàn toàn mơ hồ và bản thân Trung Quốc cũng không thể lý giải nổi. Trên thực tế, bản thân lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ không có nước nào kể cả Trung Quốc hoàn toàn có hoàn toàn chủ quyền đối với toàn bộ cái gọi là “Cửu đoạn” mơ hồ này.
-Ba là, đuối lý về Khái niệm “Biển nội địa” và “Biển ngỏ”. Trung Quốc tự nhận có chủ quyền đối với “Cửu đoạn”, nghĩa là vùng Biển này là “Biển nội địa” của Trung Quốc chứ không còn là vùng biển quốc tế (open sea). Nhưng trên thực tế các nước đang khai thác, chiếm đóng nhiều đảo và kiểm soát các vùng biển này.
Tàu chiến Mỹ và tàu chiến các nước khác trên thế giới vẫn thường xuyên đi lại, tập trận trên vùng biển này không cần thông báo hoặc xin phép Trung Quốc, thậm chí tàu chiến Trung Quốc khi đi tuần tiễu bảo vệ cái gọi là “Biển nội địa” của mình khi gặp tàu chiến Mỹ đi tuần tiễu bảo vệ Philippin, thì lập tức ngừng lại giữ cự ly để tránh xung đột. Thời gian qua các tàu chiến Mỹnhư tàu USS Cowpens luôn giám sát tầu sân bay “Liêu Ninh” xuống Biển Đông, hay tàu chỉ huy LCC19 ngày 5/5/2014 đi vào vùng biển này gặp tàu chiến Trung Quốc, tàu chiến Trung Quốc đã chủ động dừng lại để tránh xảy ra xung đột. Điều này, lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ là do tính pháp lý không phù hợp, nên các nước vẫn tự do đi lại. Đặng Tiểu Bình đưa ra cái gọi là “Chủ quyền của ta, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, bản thân chủ trương này chứng tỏ Trung Quốc không có chủ quyền.
Cũng giống như việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông với Nhật Bản, nhưng ngay ngày sau đó, máy bay B52 của Mỹ, máy bay của Hàn Quốc, của Nhật Bản đều lần lượt bay qua ADIZ mà không hề thông báo trước cho phía Trung Quốc. Bởi vậy, cái gọi là “Cửu đoạn” không có tính pháp lý, cho dù thời gian tới Trung Quốc có thiết lập cái gọi là “ADIZ thứ hai” ở Biển Đông cũng không có giá trị pháp lý như đã làm với Nhật Bản.
Tờ “Đa chiều” cho biết cuộc hội thảo kết luận rằng việc Trung Quốc vội vã đưa ra “Cửu đoạn” trong khi bị đuối lý và chưa chuẩn đầy đủ về thực lực, nên đây chẳng qua chỉ là biện pháp tình thế xí phần, đối phó với Mỹ. Xét về địa vị chiến lược, hiện nay Mỹ mới là “Trung tâm an ninh” của Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đang muốn tranh giành, nhưng chưa thể với tới. Hiện Trung Quốc đuối cả về lý, đuối cả về thực lực, đuối cả về địa vị chiến lược, đuối cả về uy tín quốc tế. Thời gian qua Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng lôi kéo Nga về hùa với mình kiềm chế Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc cho rằng để giữ hòa bình và ổn định Khu vực Biển Đông, biện pháp duy nhất là phải thực hiện theo “Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc”, bản thân Trung Quốc phải thực sự tuân thủ điều mình đã cam kết. /.
Kiều Tỉnh