Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng đảo Gạc Ma (khu vực phía xa). Bên phải ảnh là đảo Cô Lin của Việt Nam (ảnh chụp ngày 23.4.2014). Ảnh: Đình Quân. Tờ Bloomberg dẫn lời ông Eugenio Bito-onon, 58 tuổi, thị trưởng thị trấn cụm đảo Kalayaan cho biết, TQ cố tình tạo ra những hòn đảo nhân tạo, và việc xây dựng đang diễn ra quy mô, liên tục. Ông Ric-hard Javad Heydarian, một giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila (Philippines) cho rằng, mục đích cuối cùng của TQ là kiểm soát trên thực tế các vùng biển xung quanh, cụ thể là tây Thái Bình Dương.
Tháng 5.2014, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã cảnh báo hoạt động san lấp đất của TQ ở bãi Gạc Ma của Việt Nam, cách bãi cạn Scarborough khoảng 385 hải lý, được bắt đầu từ 2.2014. Gần như chắc chắn đó sẽ là một căn cứ đối với TQ. Đầu tháng 6, Philippines cho biết, hoạt động xây dựng được tiến hành thường xuyên ở hai ghềnh đá khác là Gaven và Cuarteron. Các chuyên gia cho rằng, kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo sẽ là một bước đệm để TQ chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm hết biển Đông, sau khi đã tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông.
"TQ đã và đang hiện diện trên không ở biển Đông, đưa các loại máy bay đến vùng biển mà nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam" - ông Rory Medcalf, giám đốc chương trình an ninh quốc tế, Viện Chính sách quốc tế Lowy ở Sydney nói.
Trong khi đó, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez tin rằng, nếu TQ hoàn tất xây dựng căn cứ quân sự với chi phí ước tính 5 tỉ USD có thể làm thay đổi cục diện không chỉ đối với Philippines, mà còn cả toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Golez cho biết, TQ thường xây nơi ở tạm cho ngư dân trên biển, trước khi biến chúng thành những căn cứ kiên cố, giống như đã từng làm ở bãi đá Vành Khăn.
"Nó có thể là một đường băng dài hàng km bao quanh, gần giống như một sân bay. Nó có cơ sở phụ trợ, có bến tàu, có khả năng tiếp tế và tái tiếp tế cho các tàu khu trục. Nhưng điều rất nguy hiểm chính là đường băng dài hàng km, bởi hiện giờ họ đã có thể án ngữ chiến đấu cơ tại đó. Tôi đang nghĩ đến chiến đấu cơ J-11 do TQ sản xuất, với tầm bay lên đến hơn 3.200km" - ông Golez nói.
Phát biểu với hãng tin ABS-CBN, ông Golez cho rằng, một khi căn cứ quân sự hoàn thành, máy bay TQ có thể tiếp cận toàn bộ Philippines, Việt Nam và một phần của Malaysia trong vòng bán kính 1.000 dặm tính từ căn cứ. Cựu cố vấn an ninh Philippines bày tỏ lo ngại, trong vòng 2-3 năm nữa, "nó sẽ giống như một tàu sân bay không thể chìm", và điều đó là cách mà Bắc Kinh sử dụng để "biến biển Đông thành ao nhà của họ".
Những hoạt động xây dựng của TQ ở Trường Sa đã được trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nêu lên khi trả lời câu hỏi của phóng viên Bloomberg qua điện thoại ngày 10.6. Ông Rusel cho rằng, hoạt động xây dựng quy mô lớn các điểm đồn trú không thể coi là việc tuân thủ duy trì nguyên trạng, đi ngược lại Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC). Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, hành động ép buộc và đe dọa sử dụng vũ lực như là một cách thức để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền là điều không thể chấp nhận được.