Trung Quốc lại lừa dư luận

Thứ ba - 17/06/2014 20:42 923 0
Mỹ và Úc nên hối thúc một cuộc phản biện tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tuyên cáo đánh lừa dư luận của Trung Quốc

Trong bài viết đăng trên tạp chí Diplomat ngày 16-6, GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã vạch rõ bản chất phi nghĩa của Trung Quốc trong hành động gửi tuyên cáo về vụ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 9-6.

Bắc Kinh sẽ bị động

Theo GS Carl Thayer, hành động này tưởng như trái ngược với quan điểm luôn phản đối quốc tế hóa tranh chấp trên biển Đông của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Bắc Kinh tự phơi bày bản chất bất hợp tác khi thẳng thừng phản đối LHQ làm trung gian hòa giải căng thẳng với Việt Nam.

Ông Thayer cho rằng tuyên cáo nêu trên chính là nước cờ thực hiện chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý trong thuyết “chiến tranh 3 mặt trận” được Trung Quốc chính thức thông qua năm 2003. Bản tuyên cáo cho thấy ý đồ gây nhiễu các nỗ lực tuyên truyền của Việt Nam để phục vụ mục đích cô lập Việt Nam.

 

GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và quan hệ quốc tế thuộc Học viện Quốc phòng Úc Ảnh: PHILSTAR

GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và quan hệ quốc tế thuộc Học viện Quốc phòng Úc

Ảnh: PHILSTAR

 

Vị chuyên gia nổi tiếng về biển Đông này cũng phản bác kịch liệt quan điểm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc trong 2 bài viết đăng tải trên báo chí Úc của ông Zhao Qinghai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hợp tác và an ninh hàng hải - Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc và Đại sứ Trung Quốc tại Úc Ma Zhaozu.

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ, Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ sang Việt Nam tham dự cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Hà Nội ngày 18-6.

Ban đầu, Trung Quốc trắng trợn tuyên bố vị trí hạ đặt Hải Dương 981 nằm trong vùng biển nước này với lập luận giàn khoan nằm cách bãi đá Tri Tôn 17 hải lý. Việc dùng bãi đá Tri Tôn của Việt Nam làm cơ sở là hoàn toàn sai trái.

Thêm vào đó, theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, lãnh hải của một nước chỉ kéo dài 12 hải lý từ đường cơ sở của nước đó. Đuối lý, hôm 6-6, Trung Quốc “sửa sai” với tuyên bố giàn khoan nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải của nước này.

Đó cũng là quan điểm mà ông Zhao Qinghai và Ma Zhaozu sử dụng lần lượt trong các bài viết đăng trên tờ The Australian Financial Review ngày 11-6 và The Australian hôm 13-6. Luận điệu sai trái này bị GS Thayer bác bỏ thẳng thừng. Ông nhấn mạnh hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế; vùng biển nêu trên thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Úc phản pháo

GS Thayer cho rằng Mỹ và Úc nên hối thúc một cuộc phản biện tại Hội đồng Bảo an LHQ về tuyên cáo đánh lừa dư luận của Trung Quốc với sự tham gia của cả Nhật Bản và các cường quốc khác liên quan tới biển Đông. Khi đó, dù có quyền phủ quyết nhưng Trung Quốc sẽ rơi vào một vị thế không mấy dễ chịu trước những chỉ trích.

Trong khi đó, tờ The Australian số ra ngày 17-6 đăng bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam là hành động khiêu khích và leo thang căng thẳng trên biển Đông.

“Hành động của Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam theo UNCLOS 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, đe dọa tự do hàng hải, hòa bình và an ninh khu vực” - ông Lương Thanh Nghị chỉ rõ.

Đối với tuyên bố cho rằng khu vực hạ đặt giàn khoan nằm trong vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc quản lý, ông Lương Thanh Nghị khẳng định Trung Quốc đã cố tình lờ đi 3 thực tế quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đáng tin cậy và cơ sở pháp lý vững chắc về sự quản lý liên tục, có hiệu quả đối với Hoàng Sa bởi các chính quyền Việt Nam ít nhất từ thế kỷ XVII. Thứ hai, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1974. Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận hành động bất hợp pháp đó và liên tục khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa. Thứ ba, yêu sách về “quyền lịch sử” không phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Đại sứ Lương Thanh Nghị tuyên bố những hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông - như cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam, va đập và phun vòi rồng vào tàu dân sự Việt Nam - là không thể chấp nhận, vi phạm các chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi của quan hệ quốc tế hiện đại.

 

Trung Quốc huy động 136 tàu quanh giàn khoan

Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngày 17-6, tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 có gió Tây Nam cấp 5, biển động. Trung Quốc đã tăng 17 tàu so với ngày 16-6, nâng tổng số tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam lên 136 chiếc. Trong đó, có 37-39 tàu hải cảnh, 12-14 tàu vận tải, 18-20 tàu kéo, 50-58 tàu cá và 5 tàu quân sự. Ngoài ra, lúc 9 giờ 36 phút cùng ngày, 1 máy bay trực thăng của Trung Quốc đã đáp xuống giàn khoan Hải Dương 981.

Trong ngày, được sự hỗ trợ của tàu hải cảnh 46012, các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc dàn hàng ngang ngăn chặn tàu cá của ta ở phạm vi cách giàn khoan khoảng 30 hải lý.

V.Duẩn

 

THU HẰNG

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay1,806
  • Tháng hiện tại49,304
  • Tổng lượt truy cập41,229,905
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây