Trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu, chiều 2-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại Nghị viện châu Âu Jan Zahradil.
Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Hai bên khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử trọng đại và là một dấu ấn đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU”.
Với mức độ cam kết đã đạt được, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng rất cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển. Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp nước ta tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong hiệp định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ngoài ra, việc ký kết hiệp định với một đối tác phát triển cao như EU cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh - xã hội cho nước ta.
Để những lợi ích này sớm hiện thực hóa, hai bên thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để hiệp định có hiệu lực ngay từ đầu năm 2018. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh, đối đầu trực tiếp. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.
Trước đó, cùng ngày 2-12, trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Bỉ C-harles Michel, trao đổi những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng C-harles Michel nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Bỉ đang phát triển tốt đẹp; hai bên vừa triển khai tốt kỳ họp thứ ba của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Bỉ và nhiều chương trình hợp tác song phương. Hai thủ tướng thống nhất các biện pháp tăng cường quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Hai thủ tướng đánh giá quan hệ thương mại, đầu tư Việt - Bỉ tiếp tục phát triển thuận lợi, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,3 tỉ USD năm 2014 và 1,6 tỉ USD trong 9 tháng năm 2015, đầu tư của Bỉ tại Việt Nam đạt 420 triệu USD với 59 dự án và cần được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phù hợp với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
Thủ tướng C-harles Michel chúc mừng Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán EVFTA. Hai thủ tướng nhất trí phối hợp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, sớm ký chính thức EVFTA và nhanh chóng triển khai hiệu quả các thỏa thuận này. Thủ tướng Bỉ cũng chúc mừng Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, giúp Việt Nam và Bỉ nâng cao vị thế quốc tế của cả hai nước.
Trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng C-harles Michel đã trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, thông báo và chia sẻ cho nhau về diễn biến tại biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố. Theo TTXVN, Thủ tướng C-harles Michel nhấn mạnh Bỉ ủng hô việc tranh chấp ở biển Đông cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), hướng tới thỏa thuận chính trị và quy tắc ứng xử chung ràng buộc giữa các bên.
Sáng 2-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Bỉ Siegfried Bracke và Chủ tịch Thượng viện Bỉ Christine Defraigne. Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Bỉ khẳng định sự ủng hộ đối với việc tăng cường quan hệ toàn diện Việt Nam - EU, đánh giá cao việc Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán EVFTA, cam kết thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), ủng hộ việc EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam và sớm ký chính thức EVFTA.
Nguồn tin: NLĐ Online