Gần 3 năm nay, những ai đi qua xã Hòa Sơn, H.Krông Bông (Đắk Lắk) đều thắc mắc trước ngôi chợ lồng ở trung tâm xã được xây kiên cố, khang trang nhưng vẫn trống vắng, trở thành điểm trú mưa, trú nắng của trâu bò chăn thả xung quanh. Ông Hồ Quang Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết dự án chợ được triển khai xây dựng từ năm 2010 do xã làm chủ đầu tư với dự toán vốn 3 tỉ đồng, trong đó mới làm khu nhà lồng hơn 900 triệu đồng. Từ đó đến nay, các hạng mục khác vẫn chưa được triển khai tiếp do khu đất xây chợ 8.000 m2 chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép sử dụng. Ông Vũ thừa nhận: “Việc ngôi chợ xây xong bỏ không mấy năm liền là sự lãng phí, trong khi người dân trong xã phải mua bán ở hai khu chợ tạm. Hiện xã đang cố gắng thực hiện các thủ tục cần thiết để tiếp tục hoàn thiện xây dựng và đưa chợ vào hoạt động”.
|
Ngôi chợ xã Bông Krang, H.Lắk (Đắk Lắk) được xây cách đây gần chục năm nhưng vẫn bỏ trống, nguyên nhân được một cán bộ xã cho rằng do người dân trên địa bàn không có nhu cầu họp chợ. Mãi đến gần đây, một trường THCS được quy hoạch xây dựng ngay cạnh, ngôi chợ chuyển công năng thành… nhà để xe cho học sinh.
Ở Đắk Nông, số chợ bị bỏ hoang còn nhiều hơn. Theo thống kê gần đây, tỉnh này có 7 chợ (chiếm 15% tổng số chợ trong tỉnh) với tổng vốn đầu tư hơn 8,5 tỉ đồng nhưng không hoạt động. Trong đó, có những chợ được xây dựng với kinh phí khá lớn như chợ xã Đắk Ru, H.Đắk Rlấp, hoàn thành từ tháng 5.2010, với vốn đầu tư hơn 5,6 tỉ đồng; chợ xã Quảng Trực, H.Tuy Đức, có kinh phí gần 1,4 tỉ đồng; chợ xã Cư Knia, H.Cư Jút, xây dựng từ năm 2007, với số vốn 850 triệu đồng… Ngoài ra, trên địa bàn Đắk Nông còn có 2 chợ hoạt động không hiệu quả là chợ nông sản Nam Dong có vốn đầu tư 5 tỉ đồng, nhưng chỉ hoạt động theo mùa vụ, chủ yếu làm kho chứa hàng; chợ Ea Pô thì tiểu thương không vào kinh doanh trong chợ, cả hai đều ở H.Cư Jút.
Ông Phạm Tường Độ, Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Nông, cho biết sắp tới một số chợ không hoạt động sẽ phải cải tạo để chuyển thành trường mầm non hoặc nhà văn hóa xã…
Trung Chuyên
CẦN TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN ĐỂ CÓ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC CHỢ
Chương trình 135 của Chính phủ trước đây rất quan tâm đến đời sống của người dân ở vùng sâu vùng xa ,vùng đặc biệt khó khăn , xã biên giới , ở các tỉnh miền núi, tây nguyên, nên đã bố trí vốn để đầu tư cơ sở hạng tầng ở khu vực này , bao gồm đâu tư cho giao thông, thủy lợi nhỏ, trường học , chợ vv.. các công trình nhà nước đầu tư nói chung mang lại hiệu quả thiết thực , nhờ đầu tư giao thông nên việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn, sản phẩm hàng hóa nông sản người nông dân làm ra cũng dễ dàng tiêu thụ hơn , các trường học đã được đầu tư nên đủ phòng học cho các em học sinh và không còn tình trạng học ca 3, nhờ đầu tư nên nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí quy định của Bộ giáo dục . Tuy nhiên khó khăn nhất là việc đầu tư xây dựng chợ , hiện nay vẫn còn một số chợ đã làm xong ở các xã đặc biệt khó khăn, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Qua tìm hiểu quá trình triển khai xây dựng chợ ở một số xã nói chung đúng quy trình căn cứ vào quy họach đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt , Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn tiến hành họp dân lấy ý kiến người dân nên xây dựng chợ ở địa điểm nào phù hợp , có biên bản họp dân thống nhất vị trí với sự đồng thuận của người dân cao nhất , sau đó họp Hội đồng nhân dân xã có nghị quyết để triển khai. Công trình chợ đã hòan thành bàn giao đưa vào sử dụng , tuy nhiên đến nay mặc dù chính quyền xã có nhiều động thái tích cực vận động tuyên truyền , có những biện pháp về mặt hành chính, nhưng các hộ dân vẫn không muốn vào trong chợ buôn bán. Có thể nhận thấy được về nguyên nhân khách quan và chủ quan , về mặt khách quan chúng ta đều biết các xã vùng sâu , vùng xa , vùng đặc biệt khó khăn nói chung dân số vẫn còn ít , trên 95% là hộ sản xuất nông nghiệp , còn lại hộ tiểu thương buôn bán là hết sức khiêm tốn , các hộ tiểu thương lại không tập trung ở một thôn mà ở phân tán , do vậy chính quyền khó vận động để tập trung họ vào buôn bán trong chợ. Về mặt chủ quan, do danh mục xây dựng chợ phải được triển khai đúng theo quy hoạch các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng được quy định của chương trình 135CP của Chính phủ, do vậy các địa phương phải thực hiện , mặc dù địa phương nhận thấy có thể việc xây dựng chợ xong khó phát huy hiệu quả .
Để khắc phục các chợ đến nay chưa phát huy hiệu quả , thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp xã hiện nay, cần thiết phải có nhà văn hóa cấp xã là nơi trung tâm họat động văn hóa thể dục thể thao phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân . Để chống lãng phí , có thể chợ được cải tạo nâng cấp thành Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, Trung tâm học tập cộng đồng, nơi sinh hoạt hội họp, tiếp xúc cử tri vv . Hiện nay khu chợ có diện tích rất rộng , thể thể quy họach xây dựng thêm một số hạng mục công trình chức năng, đủ công năng thiết chế của một nhà văn hóa cấp xã . Nếu thực hiện được sẽ phục vụ thiết thực đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong xã. Còn chợ của xã sẽ được quy họach ở vị trí thuận lợi và việc xây dựng tại thời điểm thích hợp.
Được biết hiện nay UBND Tỉnh Đăknông đã cho phép chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động kém hiệu quả sang mô hình Nhà văn hóa thể thao cấp xã từng bước đã mang lại hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể xã Cưknia, huyện Cư Jút, tỉnh Đăknông.
MINH TRÍ
Nguồn tin: Thanhnien