Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình “Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”.
Trung Quốc cũng cử Biên đội tàu Hải Giám 83 cùng trực thăng Hải giám B - 7103 và các tàu Hải Giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này, và mới đây nhất là cử tàu khảo sát khoa học nghề cá “Nam Phong” đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước những sự việc trên, ngày 19-3, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia nêu rõ: “Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.
Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia nhấn mạnh, Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia một lẫn nữa khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
H.Thành
Ý kiến bạn đọc
BỘ NGỌAI GIAO SỚM ĐỆ TRÌNH LHQ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG ĐỐI VỚI 2 QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA Vừa qua nhà nước Philippines quyết định đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông ra Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Ông Del Rosario ngọai trưởng Philippines phát biểu "đã cạn kiệt tất cả các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết thông qua đàm phán hòa bình với Trung Quốc". Đây là việc làm hết sức cần thiết để xác định chủ quyền của quốc gia. Vì vậy Bộ ngoại giao nước ta cũng nên sớm đệ trình Liên hiệp quốc chủ quyền biển đông đối với 2 quần đảo Hoàng sa và Trường sa thuộc chủ quyền của nước ta. Chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua Trung quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện ý đồ của mình, liên tục đẩy mạnh yêu sách bản đồ “đường lưỡi bò”. Mục đích của Trung Quốc là chiếm hết các đảo, chiếm “diện tích lớn nhất” và “nhiều quyền lợi nhất” có thể trên các vùng biển đông. Thực hiện đúng ý đồ của mình, tuyên bố thành lập thành phố Tam sa bao gồm cả huyện đảo Hoàng sa và Trường sa thuộc chủ quyền của nước ta. Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động phi pháp tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có phê duyệt thành lập Đài phát thanh và truyền hình Tam Sa, Đài truyền hình vệ tinh Tam Sa cũng như tờ Nhật báo Tam Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cử tàu hải giám tuần tra phi pháp tại khu vực Hoàng Sa, ngang ngược xua đuổi 2 tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 96417 TS và QNg 96382 TS đang hoạt động bình thường và hợp pháp tại khu vực này. Mới đây nhất là cử tàu khảo sát Nam Phong đến điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển Trường Sa. Trung Quốc ngang nhiên tổ chức chào thầu 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đối với quần đảo Hoàng sa, Trường sa, chúng ta đã có nhiều chứng cứ lịch sử xác định rõ chủ quyền không thể chối cải được, đã đến lúc chúng ta phải bằng mọi giá ngăn chặn không để phía Trung quốc thực hiện ý định của họ, nếu không bảo vệ được thì toàn bộ diện tích vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của nước ta trên 160.000km2 sẽ bị xâm phạm. Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Do vậy, Bộ ngoại gia nước ta sớm đưa vụ việc trên báo cáo trước Đại hội đồng liên hiệp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và các nước trên thế giới biết ủng hộ, nếu Trung quốc vẫn không chấp nhận thì tiếp tục đề nghị Tòa án quốc tế về Luật biển của Liên hiệp quốc đứng ra giải quyết tranh chấp. Đề nghị Nhà nước ta cần có phương án về lực lượng và trang thiết bị cần thiết để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngăn chặn không cho các đơn vị trúng thầu đến khai thác các lô dầu thuộc chủ quyền của nước ta và bảo vệ ngư dân của nước ta đánh cá trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền. MINH TRÍ