Huyện Cư Jút - Tiềm năng và cơ hội đầu tư

Thứ ba - 06/09/2011 03:02 7.873 0
Huyện Cư Jút được thành lập theo Quyết định số 227/Qđ-HđBT ngày 19 tháng 6 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Tháng 1 năm 2004 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc chia tách tỉnh đắk Lắk thành hai tỉnh đắk Lắk và tỉnh đắk Nông. Huyện Cư Jút thuộc địa giới hành chính của tỉnh đắk Nông quản lý.
 
 
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI
 
          Huyện Cư Jút nằm trên trục đường Quốc lộ 14 nối thành phố Buôn Ma Thuột (đắk Lắk) với thành phố Hồ Chí Minh. Cách trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột 20km và cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300km. Nằm về phía Bắc tỉnh đắk Nông, Cư Jút rất có nhiều lợi thế trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa với các huyện trong tỉnh cũng như trong cả nước.
          Cư Jút có diện tích tự nhiên là 72.028 ha, được trải dài trên một địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 350 - 400m. đất đai phì nhiêu, đa dạng phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây nông sản ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như các loại đậu, ngô, sắn, bông, vải và đặc biệt Cư Jút có dòng sông Sêrêpôk chảy qua với nhiều thác ghềnh thơ mộng là nơi dừng chân lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước.
          Dân số trên toàn huyện nay gần 94.000 người, gồm 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó người Kinh chiếm khoảng 60%, dân tộc Tày, Nùng chiếm khoảng 30%, dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm gần 7%, còn lại là các dân tộc khác. Tổng số lao động khoảng 60.000 người, huyện có 8 đơn vị hành chính (7 xã và 1 thị trấn) với 129 thôn buôn , tổ dân phố.
          Cộng đồng các dân tộc ở Cư Jút với những truyền thống bản sắc riêng của từng dân tộc đã hình thành nên một nền văn hóa đa dạng và có nhiều nét độc đáo. đồng bào các dân tộc trên địa bàn chung sống đoàn kết, không phân biệt, chia rẽ. ngày nay vẫn giữ được những lễ hội truyền thống đặc trưng riêng của mình.
 
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
         
Cư Jút là cửa ngõ của tỉnh và là huyện biên giới (có đường biên giới dài trên 20km giáp với tỉnh Mundunkiri - Căm pu chia) có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh đắk Nông. Bên cạnh những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, đồng thời với những chủ trương đúng đắn của đảng bộ, chính quyền các cấp, sự cần cù lao động, sáng tạo của nhân dân địa phương. Trong những năm qua bộ mặt kinh tế của huyện đã có những bước phát triển nhảy vọt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt 15 %. Riêng năm 2010 tăng trưởng kinh tế đạt 15,8 %. Trong đó Nông lâm nghiệp tăng 4,6 %; công nghiệp xây dựng tăng 20,1 %; Thương mại, dịch vụ tăng 23,1 %. Cơ cấu kinh tế của huyện năm 2010 là công nghiệp xây dựng - nông lâm nghiệp - dịch vụ với tỷ trọng tương ứng là 48 - 29 - 23 %.
 
Về Nông lâm nghiệp
         
Trong những năm gần đây việc phát triển nông lâm nghiệp của huyện đã đi theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có gần 27.930 ha đất nông nghiệp với diện tích gieo trồng 41.554 ha. Trong đó cây hàng năm 30.100 ha; cây lâu năm 11.454 ha. đến nay huyện Cư Jút đã quy hoạch xong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo thành các vùng chuyên canh, tập trung cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. Trong đó cây đậu tương sẽ ổn định ở mức 10.000 ha/năm; cây đậu lạc khoảng 5.000 ha/năm; cây ngô khoảng 9000 ha/năm; cây bông vải khoảng 650 ha/năm; cây cao su khoảng 3.500 ha/năm. Tổng sản lượng lương thực toàn huyện năm 2010 đạt 66.000 tấn, kế hoạch năm 2011 đạt trên 74.000 tấn, trong đó lúa trên 21.000 tấn, ngô trên 50.000 tấn,  tổng sản lượng đậu các loại 34.000 tấn. Năng suất sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ngoài ra do địa hình có nhiều vùng đồi núi thoai thoải, nhiều cánh đồng thấp trũng thích hợp cho việc phát triển đồng cọ phục vụ chăn nuôi trâu bò, bò sữa và gia cầm. Hiện nay tổng đàn gia súc gia cầm của huyện trên 322.000 con.
          Diện tích rừng và đất lâm ngiệp của huyện hiện nay còn 44.411 ha, trong đó đất có rừng 36.962 ha. Hàng năm huyện thực hiện tốt công tác trồng cây phân tán , trồng rừng trên 137 ha. Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trồng và phát triển rừng, gắn với lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Vừa qua Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trung tâm giống nuôi trồng thủy sản phục vụ cho khu vực Miền trung - Tây nguyên đặt tại thị trấn EaTling với quy mô dự án là 33 ha. Huyện hiện có 356 ha diện tích mặt nước hồ đập nuôi trồng thủy sản, quy hoạch đến năm 2015 là 500 ha có thể triển khai nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh đắk Nông đã phê duyệt chủ trương, đầu tư dự án xây dựng vùng nguyên liệu bắp và nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại xã EaPô với diện tích 1.090 ha. Mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp của huyện là phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và nhu cầu thị trường, tăng diện tích cây trồng chủ lực như cây họ đậu, ngô, cao su, bông vải có đầu ra ổn định làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tâm Thắng và Nam dong.
 
Về Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp
         
Gắn với vùng nguyên liệu ở địa phương và tiêu thụ các loại nông lâm sản, ngành công nghiệp trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu là công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp sản xuất điện năng. Hiện nay trên địa bàn có khu công nghiệp Tâm Thắng do tỉnh đắk Nông quản lý với diện tích 181 ha hiện đã có nhiều nhà máy đi vào hoạt động; với 65 dự án đăng ký đầu tư trong đó có 22 dự án đang hoạt động ổn định; tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.195,3 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp (tất cả các dự án đăng ký đầu tư) là 77,2 %. Một số nhà máy lớn như nhà máy sản xuất cồn công nghiệp công suất 150.000 lít/ngày; nhà máy sản xuất cà phê chất lượng cao công suất 9.000 tấn sp/năm; nhà máy sản xuất thép xây dựng công suất 4.000 tấn sp/năm; nhà máy chế biến bông công suất 15.000 tấn bông hạt/ năm; nhà máy đường đắk Nông công suất 150.000 tấn mía cây/năm; nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu công suất 9.000 m3 sp/năm; nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu công suất 5.000tấn nguyên liệu/năm. đặc biệt trên địa bàn huyện có dòng sông Sêrêpok là thượng nguồn của hệ thống sông Mê Kông của vùng châu Á Thái Bình Dương chảy qua. Dòng sông có nhiều nếp gãy tạo thành những thác nước là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp điện năng. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhà máy thủy điện Dray Hling II công suất 16mW và một số thủy điện Sêrêpok 3, Sêrêpok 4, thủy điện buôn Trấp, thủy điện Hòa Phú đã và đang đi vào hoạt động.
          Nguồn khoáng sản của huyện khá phong phú, ở Trúc Sơn và EaTling có mọ quặng sét phục vụ cho nhà máy gạch Tuynen công suất 25 triệu viên/năm và các lò gạch thủ công trên địa bàn; bên cạnh đó có mọ đá xây dựng hàng triệu m3 ở xã EaPo, Nam Dong, đắk Drong, Đăk Wil có thể khai thác sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp. Hiện nay tỉnh đắk Nông đã xin chủ trương quy hoạch, cho phép công ty cổ phần Xuân Kiên Vinaxuki được khai thác và chế biến quặng Antimoan tại xã Đăk Drông với diện tích 80 ha. Toàn huyện hiện có 120 doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và 480 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với giá trị sản xuất CN - TTCN trên 650 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994).
 
 

Về Du lich - dịch vụ
         
Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Hiện nay trên địa bàn đã đưa vào khai thác du lịch thác Trinh Nữ, cụm du lịch thác Gia Long - Draysap - Trinh Nữ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh dòng sông Sêrêpok hùng vỹ và thơ mộng, huyện đã quy hoạch tổng thể và chi tiết khu du lịch dọc sông Sêrêpok với diện tích 300 ha từ cầu 14 đến thác Trinh Nữ, bao gồm các khu dịch vụ, siêu thị, du lịch sinh thái, khu biệt thự, vui chơi giải trí với phương châm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, tạo quỹ đất sạch, liên doanh, hợp đồng, hợp tác kinh doanh 100% vốn của nhà đầu tư sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó còn có các điểm du lịch khác cũng cần được đầu tư như thác LinDa(EaPo), dự án du lịch buôn Buok (Tâm Thắng).
          Quan điểm ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, đặc biệt các dự án du lịch có tiềm năng như Khu du lịch sinh thái dọc sông Sêrêpốc, thác Trinh nữ,phát triển những dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp như ngân hàng, mua bán chế biến nông sản, hiện huyện đã chủ trương quy hoạch và kêu gọi đầu tư 1 - 2 siêu thị vừa và nhọ tại trung tâm thị trấn EaTling và Nam Dong.
 
Về Hạ tầng cơ sở
         
Hạ tầng cơ sở trên địa bàn được đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh, 100% các xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã và liên xã. 100% thôn, bon, buôn, tổ dân phố đã có điện với 97% hộ sử dụng điện, trên 30% mạng lưới đường giao thông liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% dân số đang sử dụng nước hợp vệ sinh. 8/8 xã, thị trấn có điểm bưu điện, toàn huyện đã được phủ sóng điện thoại di dộng, có trên 1.500 thuê bao Internet. Hệ thống chợ xã, chợ nông sản, nông thôn đã được quy hoạch, đầu tư đồng bộ tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.
Hiện nay huyện đã lập quy hoạch mạng lưới giao thông năm 2011 - 2020, quy hoạch đô thị loại IV thị trấn EaTling; đô thị loại V xã Nam Dong, quy hoạch hệ thống thủy lợi giai đoạn 2011 - 2020.
 
Về nhân lực - hành chính
 
          Là huyện có dân số khá đông, lực lượng lao động trong độ tuổi và có khả năng lao động chiếm trên 66% dân số; có khu công nghiệp Tâm Thắng thu  hút thêm 1.800 lao động tại các doanh nghiệp, trong khu công nghiệp. Các trung tâm đào tạo nghề, xúc tiến giải quyết việc làm trên địa bàn đã góp phần đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động mỗi năm góp phần nâng cao chất lượng và trình độ lao động. đây là lợi thế không nhọ cho các nhà đầu tư vào địa bàn.
          đội ngũ cán bộ hành chính của huyện được chuẩn hóa 100% theo quy định. Trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của huyện rất năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Chủ trương của huyện là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, vì vậy huyện đã chỉ đạo các ban, ngành các xã, thị trấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động. Công tác cải cách hành chính thực hiện theo mô hình một cửa liên thông được huyện quan tâm triển khai tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí khi giải quyết các công việc liên quan đến cơ quan nhà nước.
         
Với những lợi thế mà huyện có được cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp hiện nay và trong thời gian tới, tin chắc rằng huyện Cư Jút ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư vào đầu tư trên địa bàn, phục vụ tốt chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phương châm "Cư Jút luôn luôn chào đón các bạn, luôn xem doanh nghiệp là người thân của mình và coi các công việc của doanh nghiệp là công việc của chính mình", Cư Jút luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh ngày càng phát đạt, góp phần đưa Cư Jút đi lên phát triển giàu mạnh.
 
*           *
*

Nguồn tin: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút

 Tags: tỉnh đắk
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay4,286
  • Tháng hiện tại11,433
  • Tổng lượt truy cập41,391,762
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây