Trước thực trạng phát triển về diện tích hồ tiêu ồ ạt trong thời gian qua, mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương rà soát tình hình sản xuất và bệnh hại trên cây trồng này để hỗ trợ nông dân triển khai các giải pháp phòng trừ.
Ông Ma Văn Biểu, thôn Đắk R'tăng, xã Quảng Tân (Tuy Đức) xử lý gốc hồ tiêu bị bệnh |
Trên 1.170 ha hồ tiêu đã bị nhiễm bệnh
Tính đến đầu tháng 3/2016, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh lên tới 17.304 ha, trong đó có 10.104 ha đã cho thu hoạch. Huyện Đắk Song có diện tích hồ tiêu nhiều nhất với 6.800 ha, kế đến là Đắk R’lấp: 3.115 ha, Chư Jút: 2.745 ha, diện tích còn lại thuộc các huyện Đắk Glong, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa. Kết quả rà soát cho thấy, tình hình bệnh hại diễn ra trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp, diện tích bị nhiễm bệnh ở mức cao và xảy ra ở nhiều địa phương.
Toàn tỉnh đã có trên 1.170 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Tại thời điểm rà soát, diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh trên toàn tỉnh là 650 ha, trong đó mức độ nhẹ gần 408 ha, trung bình 168 ha, nặng gần 75 ha. Diện tích hồ tiêu bị bệnh chết chậm đã nhiễm bệnh cũng ở mức cao. Toàn tỉnh hiện có tới 441 ha hồ tiêu bị bệnh chết chậm, trong đó trên 40% diện tích đã nhiễm bệnh ở mức độ trung bình và mức độ nặng và gần 19 ha đã bị chết.
Đáng báo động là hầu hết diện tích bị nhiễm bệnh diễn ra chủ yếu ở giai đoạn hồ tiêu mới bắt đầu cho thu hoạch hoặc vườn đang cho thu hoạch ổn định. Điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các hộ dân có vườn hồ tiêu bị bệnh hại, mỗi ha thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng.
Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân
Trước thực tế này, trong thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật và các trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã cùng chính quyền địa phương đã hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nông dân trong việc chăm sóc và phòng, trừ bệnh hại. Cơ quan chuyên môn đã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên cây hồ tiêu cho nông dân. Toàn tỉnh đã có 5.786 ha hồ tiêu được áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, trong đó chủ yếu là phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm.
Trong thời gian qua, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các xã đã khoanh vùng, giúp nông dân xử lý các vườn hồ tiêu bị bệnh hại để tránh lây lan. Đến nay, huyện đã hướng dẫn cho nông dân áp dụng kỹ thuật chăm sóc trên 1.300 ha hồ tiêu.
Huyện Đắk Song đã áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh hại trên 1.230 ha hồ tiêu. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp- PTNT đã xây dựng một số mô hình phát triển hồ tiêu sinh thái để cho nông dân học tập, ứng dụng vào thực tiễn. Huyện Đắk Mil đã áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh hại trên 900 ha, Đắk R’lấp: 832 ha, thị xã Gia Nghĩa: 874 ha.
Ông Phạm Quang Vượng, Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết: Qua đợt rà soát về tình hình sản xuất hồ tiêu trên địa bàn huyện cho thấy người dân đã nâng cao ý thức về phòng, trừ bệnh hại và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đa số diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chủ yếu là ở những vườn già cỗi, giống không bảo đảm, sức đề kháng bệnh hại yếu. Huyện đang xây dựng các mô hình sản xuất tiêu sinh thái, ứng dụng nông nghiệp cao vào sản xuất để phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục bám sát, nắm thông tin về tình hình phát triển sản xuất và tăng cường công tác phòng trừ, kiểm soát bệnh hại trên cây hồ tiêu.
Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân áp dụng đồng bộ từ khâu chọn giống có nguồn gốc, không bị nhiễm bệnh và chất lượng tốt, đồng thời áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ thực vật và các địa phương tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững để nông dân tham quan và áp dụng vào thực tế sản xuất.
Một số cách phòng trừ dịch bệnh nông dân cần chú ý Chọn đất trồng hồ tiêu thích hợp và có khả năng thoát nước tốt, đồng thời khuyến cáo không trồng ở những khu đất thấp, đất trũng. Trong quá trình chăm sóc, người dân cần điều tiết chế độ nước tưới hợp lý, không để vườn bị hạn hán quá và chú ý tạo hệ thống thoát nước tốt cho vườn ngay từ đầu mùa mưa. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh bón cho vườn tiêu để giúp đất tơi xốp, thoát nước và bón một số loại phân có tỷ lệ nhiều lân ngay từ đầu mùa mưa nhằm giúp cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nên sử dụng hoa cúc vạn thọ và cây lạc dại trồng trong vườn tiêu nhằm xua đuổi tuyến trùng. Cách làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng trừ bệnh hại trên cây hồ tiêu và còn hạn chế sự phát triển của cỏ dại, có tác dụng giữ ẩm cho đất. Thường xuyên thăm vườn để phát hiện dấu hiệu bệnh sớm và có biện pháp phòng trừ hợp lý. Đối với những gốc hồ tiêu, khu vực đã bị bệnh thì nên nhổ cỏ và thu gom cây rồi đem đốt, xử lý vùng đất đã bị bệnh bằng vôi và thuốc đổ gốc. Trong quá trình chăm sóc vườn, nông dân chú ý phòng bệnh trong mùa mưa. Nông dân nên sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Ridomil gol+ Tervigo, Agrifro 400, Treppachbul; thuốc trừ tuyến trùng, rệp sáp như Marshal 5G, Vifuran 3G, Maplogic 90 WP và nấm Trichoderma bổ sung vào đất để hạn chế nấm gây hại trong đất. | ||
Bài, ảnh: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Đăk Nông