Sinh ra trong gia đình khó khăn, bố mẹ làm nghề bánh đa, nên cố gắng lắm cũng chỉ lo được miếng ăn qua ngày cho các chị em Tâm. Tuổi thơ của Tâm cũng vì vậy mà thiếu thốn hơn so với những bạn đồng trang lứa. Hàng ngày, trừ thời gian đi học, còn lại Tâm chỉ biết đến việc phụ giúp bố mẹ làm bánh để bán.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Tâm tốt nghiệp được lớp 12. Vậy nhưng, ước mơ trở thành giáo viên cũng phải gác lại vì Tâm biết gia đình không thể lo nổi cho mình học đại học. Vì vậy, khi các bạn đang ngày ngày ngồi trên giảng đường học tập, thì Tâm phải ở nhà tiếp tục công việc mưu sinh. Năm 2009, Tâm lập gia đình. Vợ chồng Tâm bươn chải mưu sinh bằng nhiều nghề như buôn bán, chăn nuôi rồi cả làm thuê, nhưng kinh tế cũng không khá hơn là bao.
Không nản chí, qua nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm nơi làm ăn, năm 2011, vợ chồng quyết định chọn mảnh đất Trúc Sơn làm điểm dừng chân để khởi nghiệp, với những mong ước mảnh đất mới này sẽ là nơi để gia đình có cơ hội vươn lên, thay đổi cuộc đời.
Thế rồi, bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu về khí hậu, đất đai và con người, vợ chồng Tâm nhanh chóng hòa nhập và tìm cho mình hướng đi thích hợp. Vốn sống ở Đồng Nai – nơi có hoạt động sản xuất gạch phát triển khá mạnh, nên sau khi tìm hiểu, tham khảo, gia đình quyết định chọn nghề làm gạch xây dựng để khởi nghiệp. Từ đó, họ bắt đầu mày mò, trải qua những bước đi khó khăn ban đầu đề lần hồi xây dựng được cơ sở sản xuất gạch mang tên Đồng Tâm.
Chị Tâm cho biết: “Nhận thấy nhu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng ngày càng tăng nên gia đình tôi quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề sản xuất gạch. Khi đầu mới bước vào nghề, tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vốn đầu tư để làm nhà xưởng, sắm sửa máy móc, trang thiết bị, thuê nhân công. Với sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của anh em trong gia đình, người thân và vay ngân hàng được tổng cộng 1 tỷ đồng, tôi đã đi tham khảo mua đất làm mặt bằng với diện tích 80.000m2”.
Sau hơn 1 năm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đầu năm 2012, cơ sở sản xuất gạch Đồng Tâm bắt đầu đi vào hoạt động. Cầm những viên gạch mang tên Đồng Tâm đầu tiên ra lò, bà chủ vừa mừng, vừa lo. Mừng vì khởi đầu thuận lợi, nhưng lo cho đầu ra. Bởi cơ sở sản xuất, sản phẩm còn mới mẻ với người dân, thương nhân. Chị đã lặn lội đưa gạch đi chào hàng ở các đại lý, cửa hàng để sản phẩm có chỗ đứng trong thị trường. Sau một thời gian, với tính tình mềm mỏng, khẳng định được uy tín, khách hàng đã dần quen và mua sản phẩm gạch Đồng Tâm ngày càng nhiều.
Niềm vui ấy chưa được bao lâu thì khó khăn lại đến. Do chưa quen với thời tiết, lại không có điều kiện để che chắn, nên sản phẩm những đợt sau có chất lượng thấp, bị hư hỏng. Vợ chồng đứng ngồi không yên. Gạch không bán được thì không có tiền trả cho nhân công, không có tiền mua nguyên liệu, hơn nữa là sẽ mất uy tín với các khách hàng. Nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, cũng có lúc nản, muốn bỏ nghề, nhưng vợ chồng chị Tâm lại tự khuyên nhủ cần phải đứng dậy, với tâm niệm “không có con đường cùng, chỉ sợ mình không dám bước đến cùng mà thôi”.
Sau đó, gia đình chị Tâm vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư làm mái che và mua thêm máy móc để nâng cao chất lượng gạch. Hiện nay, cơ sở gạch của gia đình chị Tâm đã trở thành nơi cung ứng gạch tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài địa bàn.
Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu về hàng trăm triệu đồng. Cơ sở sản xuất gạch của gia đình đã góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động với mức lương từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, cơ sở còn thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ các gia đình khó khăn, và đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi ở địa bàn bằng nguyên vật liệu.
Các lò gạch của gia đình chị Tâm được thiết kế theo kiểu nằm ngang, chứ không phải là lò dọc như các cơ sở khác. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa giúp công nhân đỡ vất vả hơn trong di chuyển. Chị Tâm cho biết, trước mắt, gia đình vẫn sản xuất gạch nung, nhưng khi ổn định hơn và có vốn thì sẽ chuyển đổi sang gạch không nung để bảo đảm vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo chị Nguyễn Duy Ánh, Bí thư Đoàn xã Trúc Sơn thì chị Tâm không những là đoàn viên năng động, nhiệt huyết, luôn nỗ lực vươn lên trong lập thân, lập nghiệp, làm giàu cho gia đình mà còn luôn nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức.
Với những nỗ lực trong phát triển sản xuất, kinh doanh, mới đây, chị Nguyễn Thị Tâm đã vinh dự được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen về thành tích thanh niên làm kinh tế giỏi tỉnh. Tấm gương vượt khó làm giàu của chị Tâm đang được các cấp đoàn nhân rộng để giáo dục đoàn viên, thanh niên về tinh thần tự lực, dám nghĩ, dám làm, xung kích trong phát triển kinh tế.
Nguồn tin: Báo Đăk Nông